Bà Nguyễn Thị Hương năm nay đã gần 90 tuổi, mắt mờ chân chậm nên mỗi sáng bà chỉ có thể tập thể dục bằng cách đi bộ ngay vỉa hè nơi con phố Hàng Cót, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nơi bà sinh sống, với sự hỗ trợ của cây gậy.
Thế nhưng, nhiều năm nay vỉa hè, lòng đường nơi đây thường xuyên bị đào xới, mấp mô, gồ ghề, khiến cho việc thể dục và đi lại của bà Hương và bà con nơi đây gặp nhiều trở ngại.
"Đây, cứ đào ngoáy lên xong để đấy. Nó vừa không đẹp. Hai nữa là người ta sơ ý dẫm vào vấp ngã. Nhấp nhô khó đi, bình thường phẳng thì làm sao vấp ngã.", bà Hương nói.
Dịp cuối năm, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM là thời điểm nhiều dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị được thi công. Có những tuyến đường được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang bằng phẳng nhưng chỉ cách vài ngày hoặc vài tuần lại bị đào xới, cào bóc lên để đặt các đường ống ngầm điện, nước, internet nhưng việc hoàn trả mặt bằng thực hiện rất qua loa, mang tính hình thức.
Một số người dân phản ánh:
"Dọc đường Mỹ Đình, hay đường Thanh Liệt rất nhiều, có những cái ổ không cẩn thận còn ngã, rất nguy hiểm ở những con đường đào bới".
"Cũng gặp ở một số tuyến đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, họ cào đường để làm lại, nhưng cào đường vài ba tháng mới làm lại. Có những gờ sâu, đào lên không làm lại gây trật bánh xe người dân đi lại".
"Ngầm ra lại đẻ ra một loạt các hoạt động đào bới, xới lộn, xong đến lúc hỏng hóc lại đào bới. Theo tôi, cái này thành phố cũng phải xem xét lại cho kỹ".
Điều đáng nói, các đơn vị thi công mạnh ai nấy làm, không có kế hoạch cụ thể, khiến các tuyến đường luôn trong tình trạng nham nhở, xuất hiện những con lươn mấp mô, ảnh hưởng đến chất lượng đường sá và đe dọa đến sự an toàn của người tham gia giao thông.
Anh Nguyễn Văn Đạt, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội nhận xét: "Rất nhiều tuyến đường bị đào xới lên ảnh hưởng đến kết cấu đường và mỹ quan của thành phố, gây nguy cơ tai nạn giao thông. Đi đường gặp rất nhiều vụ tai nạn giao thông do đường mấp mô, nhất là những người phụ nữ tay lái yếu. Rõ ràng khi thi công người ta chỉ san lấp lại trả lại mặt bằng còn bê tông, mặt đường nhựa bị cắt lên rồi, nó sẽ không tốt như ban đầu".
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, kinh nghiệm của nhiều đô thị trên thế giới là thực hiện giải pháp cống ngầm tích hợp, trong đó toàn bộ hạ tầng kỹ thuật được tích hợp trong một đường cống ngầm đến từng nhà một.
Theo ông Nghiêm, các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM có thể học theo cách làm này: "Lựa chọn từng đoạn đường thí điểm để làm hệ thống cống ngầm tích hợp tất cả hạ tầng kỹ thuật như nước ngoài ta làm mới giải quyết được. Đây là một thách thức về nguồn vốn và sự phối kết hợp giữa các ngành và là yêu cầu rất cần sự chỉ đạo của một thành phố Hà Nội".
Dịp cuối năm, lưu lượng phương tiện đi lại gia tăng. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc thi công gấp rút do áp lực thời gian và áp lực tiến độ giải ngân cũng sẽ khiến cho chất lượng khó lòng đảm bảo./.