Tường Thượng là xã di vén vùng lòng hồ thủy điện còn nhiều khó khăn của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, xã chỉ đạt 4 tiêu chí. Đến nay, xã đã đạt 12/19 tiêu chí, phấn đấu là địa phương tiếp theo của huyện Phù Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm nay. Tín hiệu vui ấy có được nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận, góp sức của nhân dân.
Ông Đinh Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Tường Thượng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết: “Xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con nhân dân trong xã tham gia xây dựng nông thôn mới.Chúng tôi khơi dậy tinh thần tự giác trong nhân dân, như vận động dân hiến đất làm đường và đặc biệt là xã hội hóa để xây dựng các cơ sở thiết yếu trong chương trình nông thôn mới”.
Giao thông là một trong những tiêu chí thể hiện rõ nét phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua rà soát, xã Tường Thượng cần phải cứng hóa trên 13 km đường giao thông nông thôn và 15,5 km đường nội đồng. Các bản trong xã đã lên kế hoạch, vận động nhân dân góp kinh phí, hiến đất, tham gia làm đường khi có nguồn hỗ trợ xi măng...
Ông Đinh Văn Tuấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Đồng La, xã Tường Thượng, huyện Phù Yên cho hay: “Bản được Nhà nước hỗ trợ 33 tấn xi măng cho bà con bê tông các tuyến đường giao thông nông thôn. Ban quản lý bản vận động bà con hiến đất và làm được 270m đường. Bà con rất phấn khởi, mong Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa. Bởi trong bản còn nhiều tuyến đường đi lại khó khăn, chưa bê tông hóa, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục góp tiền, góp công để thực hiện”.
Cũng phấn đấu về đích nông thôn mới năm nay, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã huy động được 125 hộ dân tình nguyện hiến 3.700 m2 đất, cùng hàng nghìn ngày công để bê tông hóa gần 14 km đường nội bản, liên bản, đường nội đồng. Đến nay, xã Tông Cọ đã có 100% đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 80% đường liên bản, nội bản được bê tông hóa... góp phần hoàn thành tiêu chí về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Lò Văn Thích, Bản Lè, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu cho biết: “Từ khi có nhà văn hóa nhận thức của bà con đã thay đổi rõ nét, các hoạt động hội họp, văn hóa văn nghệ bà con tham gia đầy đủ hơn. Bản cũng mong muốn nhà nước đầu tư thêm các cơ sở vật chất cho nhà văn hóa”.
Không chỉ đường giao thông mà nhiều công trình hạ tầng khác cũng được người dân chung tay đóng góp. Năm 2017, nhà văn hóa bản Lào, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu được nhà nước quan tâm đầu tư. Khi ấy, dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân trong bản vẫn tự nguyện đóng góp gần 100 triệu đồng và hàng trăm ngày công để xây dựng công trình.
Ông Lò Văn Hặc, trưởng bản Lào, xã Tông Cọ cho hay: “Được xã vận động, gia đình tôi đã hiến 40m2 đất ruộng làm đường nông thôn mới. Gia đình tôi và các hộ trong bản cũng mừng vì việc đi lại đỡ vất vả hơn, bà con đi làm ruộng, cắt cỏ rất thuận tiện, bớt khó khăn hơn những năm trước”.
Những công trình, con đường mới đã tăng kết nối giữa bản với xã, xã với huyện, với tỉnh. Và hơn cả là gắn kết bà con nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với hy vọng về cuộc sống mới đổi thay và khởi sắc. Sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân sẽ là nguồn lực giúp các địa phương ở Sơn La hoàn thiện nhiều tiêu chí khác, tiến những bước vững chắc về đích nông thôn mới./.