PGS.TS Ðặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh tham nhũng còn diễn biến phức tạp, Tết cũng là một cơ hội để người ta đưa và nhận quà hối lộ; khi tham nhũng bị đẩy lùi, tặng quà Tết mới trở về đúng nghĩa.
Cứ vào mỗi dịp Tết là dư luận lại lo ngại có việc lợi dụng tặng quà để đưa và nhận hối lộ. CECODES đã có một số nghiên cứu về tình hình tham nhũng tại Việt Nam. Vậy, ông nhìn nhận ra sao về hiện tượng này?
Đúng là vào dịp Tết thường xảy ra những câu chuyện như vậy. Nhưng nhìn nhận kỹ thì thấy, nếu người ta đã có ý định “chạy chọt” thì không chỉ dịp Tết mà ngày thường người ta cũng “chạy”, đám cưới, đám xin người ta cũng lợi dụng để “chạy” thông qua hình thức tặng quà.
Tuy nhiên, không thể đánh đồng rằng, cứ tặng quà Tết là hối lộ. Tặng qùa Tết là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của người Việt Nam rồi. Ở các nước cũng thế, vào dịp lễ Noel, người ta thường xuyên tặng quà cho nhau và đó là chuyện bình thường. Nhưng ở ta do tham nhũng còn diễn biến phức tạp nên mới có chuyện người ta lợi dụng tặng quà để hối lộ. Dịp Tết chính là thời cơ và cơ hội để người ta đưa và tặng quà hối lộ.
Vậy làm sao mà phân định được đâu là quà Tết, đâu là quà hối hộ?
Cái này thực sự rất khó có thể phân định được. Chỉ có người trong cuộc, tức là người tặng quà và người nhận quà mới có thể biết được gói quà đó có gì, chứ xã hội rất là khó biết. Tuy nhiên, chúng ta đều thấy rằng, quà Tết nó khác hẳn với hối lộ. Quà Tết nó chỉ mang tính tượng trưng, thể hiện tình cảm, chứ không mang tính định lượng về vật chất lớn. Còn hối lộ thì chắc chắn không phải như thế, nó có định lượng lớn nhằm đạt được mục đích gì đó. Nhưng như tôi đã nói ở trên, chúng ta rất khó để biết gói quà đó có cái gì. Vì thế, khi mà tham nhũng, tiêu cực vẫn còn phổ biến thì việc lợi dụng quà tặng để đưa hối lộ vẫn sẽ xảy ra, khó mà ngăn chặn được.
Chính phủ đã quy định, cấm sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để làm quà tặng không đúng quy định dưới mọi hình thức. Ông nghĩ sao?
Theo tôi, quy định trên là hoàn toàn cần thiết nhằm ngăn tình trạng sử dụng ngân sách một cách không đúng đắn. Thực tế, hiện tượng sử dụng tiền ngân sách để mua quà hối lộ là rất ít. Đa số những người có ý định “chạy chọt”, hối lộ đều sử dụng tiền túi cá nhân, tiền doanh nghiệp để mua hoặc tặng quà hối lộ. Sau khi đã đạt được mục đích rồi thì người ta lại tìm cách để thu hồi lại được khoản tiền đó bằng nhiều cách khác nhau.
Để ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịp Tết để đưa và nhận quà hối lộ, Thanh tra Chính phủ đã công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân. Theo ông, giải pháp này liệu đã đủ mạnh?
Điều này có cũng là tốt. Nhưng bảo biện pháp này phát huy được hiệu quả thì rất khó. Vì chỉ có trường hợp nào người ta tặng quà hối lộ một cách lộ liễu, hoặc đòi hỏi thái quá, người ta ức lên thì mới phản ánh thôi. Chứ còn đã là hối lộ thì ít khi người ta làm lộ liễu đến như vậy. Biện pháp đó là cần, nhưng nó không thể ngăn chặn được hối lộ.
Chúng ta chỉ có thể ngăn chặn được những biến tướng trong việc tặng quà Tết khi tham nhũng được ngăn chặn và đẩy lùi. Chỉ như thế thì câu chuyện quà tặng, quà biếu mới trở về đúng nghĩa của nó. Còn không thì việc lợi dụng dịp Tết để tặng quà hối lộ vẫn sẽ xảy ra.
Cảm ơn ông!
Đa số những người có ý định “chạy chọt”, hối lộ đều sử dụng tiền túi cá nhân, tiền doanh nghiệp để mua hoặc tặng quà hối lộ. Sau khi đã đạt được mục đích rồi thì người ta lại tìm cách để thu hồi lại được khoản tiền đó bằng nhiều cách khác nhau.
Tặng, biếu quà Tết nó đang có những thay đổi, bị biến tướng so với mục đích tốt đẹp ban đầu. Thậm chí, việc tặng quà, biếu quà đang bị lạm dụng để làm cái cớ đưa phong bì, phong bao, trở thành quan hệ mua bán, đổi chác, tạo thành cơ chế tặng quà, biếu quà làm cho tập quán không tốt đẹp vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. Năm nào cũng có chỉ thị, chỉ đạo nghiêm cấm tệ nạn này, nhưng xem chừng không thuyên giảm thậm chí nó còn trở thành cái lệ, nên theo tôi muốn giải quyết cần phải xử lý vấn đề gốc rễ đó là việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.
Việc tặng quà, biếu quà cho nhau trong mỗi dịp xuân về, Tết đến là một nét đẹp văn hóa truyền thống của chúng ta. Cũng vì lẽ đó không nên để tặng quà, biếu quà thành một lệ xấu, trở thành một gánh nặng cho nhiều người. Nhiều người nghèo, thu nhập thấp cũng phải cuốn vào vòng xoáy của việc biếu tặng quà Tết. Còn người tiêu dùng thích các giỏ quà độc, lạ là một xu hướng, chơi trội của một số ít người thôi./.