Nhiều bệnh nhân, đặc biệt là đối tượng bị bệnh mãn tính gặp nhiều khó khăn do phải thêm một phần chi phí khám chữa bệnh.

Cầm tờ phiếu thu viện phí gần 2 triệu đồng, bà Lê Thị Ái, ở tổ 4 phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, tay chân như muốn rụng rời. Mắc bệnh hiểm nghèo, suốt 11 năm nay, đều đặn 1 tuần 3 buổi, bà phải đến bệnh viện để được chạy thận. Đau ốm bệnh tật liên miên sức khỏe ngày càng suy kiệt, bà chẳng làm được gì để đỡ đần chồng con. Cuộc sống của cả gia đình 4 người trông chờ cả vào đồng lương bộ đội của chồng, nên thiếu trước hụt sau. Bây giờ, Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) mới quy định người bệnh phải đồng chi trả, mỗi tháng bà phải nộp gần 2 triệu đồng, không biết kiếm đâu ra tiền mà chữa trị: “Theo Luật mới, tôi phải chi trả 20% viện phí. Bình thường đã khó khăn lắm rồi, bây giờ phải nộp tiền chắc chắn không thể tiếp tục điều trị được. Những người không có thẻ, hoặc đối tượng nghèo thì còn khó khăn hơn, chắc cũng đành chịu chết”- bà Ái nói.

Không riêng gì bà Ái, hầu hết những người bị bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng đang thực sự hoảng hốt vì không biết xoay xở thế nào với những quy định mới. Hơn 160 bệnh nhân Khoa Thận nhân tạo, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng phải đến 70% trong số này thuộc diện nghèo khổ. Để chữa bệnh, nhiều người đã vay mượn khắp nơi, có người bán cả nhà cửa, tài sản mới có tiền mua thuốc men. Thực hiện việc đồng chi trả, hàng tháng, mỗi người bệnh phải mất thêm từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng cho việc chạy thận nhân tạo. Đó quả là khoản chi phí quá lớn đối với người dân. Vì không có tiền, một số người đã bỏ viện về nhà.

Đối với bệnh nhân bị suy thận, việc ngưng chạy thận cũng đồng nghĩa với chấp nhận điều xấu nhất sẽ tới. Vì thế, nhiều người vẫn cố chạy vạy, kiếm tiền điều trị những mong duy trì cuộc sống ngày nào hay ngày ấy. Về phía bệnh viện, kể từ khi triển khai Luật Bảo hiểm Y tế mới, mỗi ngày cũng mất đến vài triệu đồng do phải thực hiện đồng chi trả.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Đa, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, mới hơn 10 ngày qua, cả khoa đã có trên chục bệnh nhân bỏ điều trị, không biết con số bỏ viện rồi sẽ lên đến bao nhiêu: “Cả khoa hiện vẫn còn đến 1/3 nợ bảo hiểm y tế, chúng tôi một mặt vẫn tạo điều kiện khám chữa bệnh cho họ, mặt khác động viên họ nộp bảo hiểm. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân là người nghèo, về lâu dài việc đeo đuổi chữa bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Chủ trương của Bệnh viện Đà Nẵng cũng như nhiều trung tâm y tế tuyến quận, huyện là vẫn tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh được khám và điều trị bệnh, như: cho phép sử dụng thẻ bảo hiểm y tế cũ còn thời hạn, cho bệnh nhân nợ viện phí, kể cả việc phải bù lỗ trong khám chữa bệnh... Tuy nhiên, số bệnh nhân đến khám tại tất cả các bệnh viện từ tuyến thành phố đến quận, huyện đều giảm đáng kể. Chỉ tính riêng Bệnh viện Đà Nẵng, trước đây, bình quân mỗi ngày khám và điều trị cho gần 800 trường hợp, nhưng từ đầu năm đến nay, số lượng bệnh nhân đã giảm đến 1/3. Nguyên nhân là, nhiều người vẫn chưa nhận được thẻ Bảo hiểm y tế mới....

Trong khi đó, Bảo hiểm Xã hội thành phố Đà Nẵng vẫn khẳng định gần 80% người dân đã được cấp thẻ. Bà Trần Thị Lý, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi đã cấp thẻ đạt 76%, từ nay đến 20/1 sẽ tập trung rà soát việc cấp thẻ, đặc biệt là đối với những đối tượng chính sách như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật…”

Thực tế cho thấy, kể từ ngày thực hiện Luật BHYT mới, người bệnh gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều người vẫn chưa nhận được thẻ BHYT mới. Với những người mắc bệnh hiểm nghèo, việc đóng thêm chi phí khám và điều trị đã trở thành gánh nặng quá sức đối với họ. Hàng ngàn bênh nhân ở Đà Nẵng đang trong cảnh đứng ngồi không yên. Họ mong muốn các ngành chức năng sớm có điều chỉnh các quy định cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe./.