Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau về Luật tạm giữ, tạm giam, đa số đại biểu tán thành quy định người chuyển giới, đồng tính nên được giam giữ riêng để bảo đảm quyền lợi cho nhóm người này.  

Khoản 4, Điều 18 của Luật tạm giữ, tạm giam nêu rõ: người bị tạm giữ, tạm giam dưới đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng. a. Là người đồng tính, người chuyển giới quy định tại Điểm e, i và m ở Khoản 1 điều này. Đó là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, người bị kết án tử hình, người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần.Nhiều ý kiến nhấn mạnh, đã là luật không nên dùng từ “có thể”.

chuyen_gioi_duar.jpg
Một người chuyển giới trong trại giam (Ảnh: VnExpress)

Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) đề nghị thay thế cụm từ "có thể" bằng từ "phải". Trong khi đó, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nhấn mạnh, cách phân loại của chúng ta chưa có các tiêu chí để thống nhất, rất khó thực hiện ở khoản này. Cụ thể, phụ nữ có thai có thể giam chung được, nhưng người đồng tính mà giam chung thì không được. “Người đồng tính thì phải mỗi người mỗi buồng, họ được giam chung thì quá sướng” – ông Phạm Đức Châu nói.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) thừa nhận luật pháp nhiều nước đã quy định người đồng tính, người chuyển giới được giam giữ riêng. Ở Việt Nam nếu có điều kiện thì nên làm. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, để thực hiện được là rất khó, nhất là những nơi khó khăn, miền núi, vùng sâu vùng xa không có điều kiện để xây khu vực riêng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Pha, nếu chúng ta quan tâm đến lĩnh vực này, thực sự có ý thức thì có thể tách ra được những phòng đặc thù để tạm giữ, tạm giam những người đồng tính, chuyển giới.

Lắp camera có chống được bức cung, nhục hình?

Liên quan đến việc lắp camera và ghi âm để chống bức cung, nhục hình, đại biểu Nguyễn Văn Pha chia sẻ quan điểm của ông là không nên lắp tràn lan. Bởi lúc này là lúc đang tập trung cho các vấn đề khác, nếu trang bị hết tất cả địa điểm theo quy định phải tốn hàng tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh, chúng ta phải có niềm tin vào cán bộ điều tra.

“Người ta thực thi pháp luật, đầu tiên kiểu gì họ cũng phải chấp hành pháp luật trước. Tổng kết các vụ vi phạm, bức cung nhục hình chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong các vụ án. Cho nên, không chỉ vì những vụ án ít như thế mà ta lắp đặt tràn lan những thứ đó. Tôi nói thật, máy móc, phương tiện có hiện đại đến mấy cũng do con người làm ra, con người sử dụng. 

Nếu người ta thích làm hỏng nó, làm mất dữ liệu là không khó. Cho nên cái chính là làm sao giáo dục tốt tư tưởng đạo đức cho cán bộ thực hành công vụ. Người nào vi phạm pháp luật phải xử lý thật nghiêm. Có như thế mới hạn chế tối đa việc bức cung, nhục hình. Cho nên tôi cho rằng việc lắp đặt tràn lan không phải là biện pháp tối ưu” – ông Pha nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Pha cho biết, ông vừa có chuyến công tác với lãnh đạo Viện KSND tối cao giám sát việc chấp hành pháp luật trong tạm giữ tạm giam tại Bình Thuận và Đắk Lắk. Ông khẳng định điều kiện về cơ sở vật chất tại đây rất khó khăn. Từ nơi giam giữ, nước uống, những điều kiện sinh hoạt khác. Nguyên nhân chính là sự đầu tư của nhà nước cho những địa bàn này không tương xứng.

Điều này dẫn đến tình trạng các đối tượng được giam giữ chung với nhau. Người vị thành niên được giam với người đã thành niên, thậm chí với cả người có tiền án tiền sự. Chính điều này dẫn đến việc vi phạm quyền của người bị tạm giữ tạm giam, nhất là với người vị thành niên.

Đại biểu Nguyễn Văn Pha khẳng định vẫn phải lưu tâm đến việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho khu vực tạm giữ tạm giam, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Có như thế mới tránh được việc vi phạm nhân quyền. Cơ sở vật chất thiếu thốn cũng là một nguyên nhân dẫn đến bức cung, nhục hình; người chuyển giới, người đồng tính phải ở chung với các đối tượng khác, gây nhiều hệ quả xấu./.