Sau gần 20 ngày xóm nhà chồ ở cồn Nhất Trí, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bị thiêu rụi, người dân đã về nơi ở mới tại Ký túc xá trường Cao đẳng y tế ở tạm. Nhiều người vẫn còn lạ lẫm với nơi ở mới.

Sau vụ cháy xảy ra ngày 18/1, 76 hộ dân bị cháy nhà được thành phố Nha Trang bố trí ở tạm tại Ký túc xá Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa, cách nơi ở cũ chừng 7 cây số. Mỗi gia đình được bố trí một phòng ở rộng 40 m2, có đầy đủ điện, nước sinh hoạt, nhà tắm, nhà vệ sinh khép kín. Trong phòng có đủ giường, tủ. Chính quyền thành phố linh hoạt bố trí những hộ có người cao tuổi ở tầng thấp, thuận lợi trong sinh hoạt.

chay_70_can_nha_o_nha_trang_1_togx_gxho.jpg
Vụ cháy lớn khiến nhiều người không còn nhà cửa.
Ông Đặng Thùy Châu, một hộ dân được vào ở tạm trong khu ký túc xá bày tỏ: “Ở Ký túc xá thoải mái hơn ở nhà chồ. Bởi vì, nhà chồ chật hẹp còn ký túc xá rộng hơn. Ở đó cũng đầy đủ nhà tắm, nhà vệ sinh, điện cũng đầy đủ. Hồi xưa, chật hẹp, xe cộ về không được, về đây, xe cộ có chỗ giữ, để”.

Cuộc sống ở ký túc xá khá mới mẻ với nhiều hộ dân quen sống nhà chồ, các hộ dân không được nấu ăn trong phòng. Hằng ngày, nhiều hộ xuống tầng trệt để nấu ăn, sau đó mang đồ ăn về phòng hoặc ăn ngay tại chỗ.

Bà Phan Thị Hồng Thủy, một người dân sống tại đây cho biết: “Tất cả mọi người phải xuống tầng trệt để nấu cơm nên cũng bất tiện. Hai hộ một bếp, còn bàn thì 76 hộ nhưng chỉ có 40 bàn, ăn tập trung với nhau”.

Ký túc xá Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa do Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, giải quyết chỗ ở cho 1.000 sinh viên, với kinh phí xây dựng 77 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, ký túc xá này không có sinh viên đến ở vì xa trường học, xa khu dân cư…

Sau nhiều năm bỏ trống, đến nay, ký túc xá được dùng làm nơi ở tạm cho các hộ dân bị cháy nhà. Quen nếp sống nhà chồ, nay chuyển lên ở nhà tập thể, các hộ dân chưa thể thay đổi ngay thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Ông Ngũ Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND TP phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, thành phố đang xem xét cấp đất tái định cư cho các hộ dân.

Ông Việt nói: “Ngày xưa, họ ở gần biển nên cuộc sống mang tính tự phát, không gò bó như ở ký túc xá sinh viên. Ở đây, họ phải giữ vệ sinh sạch sẽ. Phường sẽ tuyên truyền bà con giữ vệ sinh chung, không xả rác. Mặt trận Tổ quốc, UBND phường là người sẽ đại diện sắp xếp cho các mạnh thường quân phân phát quà, giữ trật tự và ổn định”./.