Để đời sống người dân bớt khó khăn, tỉnh Khánh Hòa thực hiện đa dạng chính sách, phương thức để không bỏ sót đối tượng hỗ trợ.

“Có gì khó khăn nữa thì bác liên hệ với đường dây cứu trợ này. Gọi điện vào đường dây nóng này, các anh ấy sẽ có hỗ trợ nhà mình”. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa khi đến thăm và trao túi an sinh tặng hộ dân gặp khó khăn tại phường Phước Long, thành phố Nha Trang.

Đây là 1 trong số các hộ dân không thuộc đối tượng thụ hưởng của Nghị quyết 68 của Chính phủ nhưng đang gặp khó khăn đột xuất khi thực hiện giãn cách xã hội. Mỗi gia đình được địa phương hỗ trợ 1 túi an sinh trị giá 350.000 đồng gồm gạo, thực phẩm. Trên túi, có thư ngỏ động viên cùng số điện thoại đường dây nóng của Lãnh đạo thành phố để kịp thời cứu trợ người dân.

Hiện nay, thành phố Nha Trang đang cách ly y tế tại 4 xã, phường ven biển và 2 tổ 13, 14 thuộc cồn Ngọc Thảo, phường Ngọc Hiệp. Những nơi này mật độ dân cư dày đặc, người dân làm nghề lao động phổ thông, vì thế khi thực hiện cách ly, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. 300 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân sự, Công an đã xuống các khu dân cư để hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân.

Riêng cồn Ngọc Thảo, phường Ngọc Hiệp là một cù lao giữa sông Cái, nối với đất liền bằng cầu tạm nên việc cung ứng lương thực cho gần 700 hộ dân đang gặp khó khăn. Lực lượng phòng chống dịch phải dùng ca nô để chuyển lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân.

“Từ ngày bị cách ly, gia đình chúng tôi đã nhận rất nhiều quà của UBND phường và các đoàn thể, cứ 1 tuần lễ nhận 2 lần, thức ăn đầy đủ. Mấy anh bộ đội Biên phòng rất tốt, ngày đêm phục vụ rất mến thương, rất cảm động. Mấy anh em phục vụ nhân dân rất chu đáo”, ông Lê Văn Vương, Tổ 14 Ngọc Thảo, phường Ngọc Hiệp cho biết.

Nhiều người dân ở thành phố Nha Trang không có thói quen tích trữ lương thực, thực phẩm nên gặp nhiều thiếu thốn khi thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế.

Bên cạnh đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, tỉnh Khánh Hòa và thành phố Nha Trang đã tổ chức các Trung tâm cứu trợ với sự tham gia của 3.500 đoàn viên thanh niên, hàng ngàn hội viên phụ nữ để kịp thời cung ứng lương thực, thực phẩm. Những người dân không đủ tiêu chí hỗ trợ theo Nghị định 68 được chuyển sang Trung tâm cứu trợ để hỗ trợ.

Ông Hồ Văn Mừng, Bí thư Thành ủy Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà cho biết, người dân tại các khu cách ly, phong tỏa được chăm lo sẽ hạn chế tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”, từ đó, số ca mắc mới đã giảm rõ rệt.

“Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn thành phố đều đã có các túi an sinh đến với gia đình. Nghĩa là người ta yên tâm trong những ngày ở nhà này, họ đủ sống. Chúng tôi phải chuẩn bị cho kế hoạch tiếp theo, nó kéo dài thêm thì sẽ như thế nào. Thậm chí là sau khi khống chế được dịch, an sinh, việc làm của họ như thế nào, thành phố sẽ có các giải pháp, để giải quyết để cho người dân người ta yên tâm”, ông Mừng cho hay.

Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ cho hơn 62.000 người lao động tự do bị mất việc, với số tiền hơn 120 tỷ đồng. Trung tâm cứu trợ tỉnh đã phân bổ hơn 400 tấn gạo, 140 tấn rau củ, thực phẩm cho dân. Mới đây, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục hỗ trợ 500.000 đồng/người thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Toàn tỉnh sẽ có khoảng 100.000 người trong diện được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, để những người dân gặp khó khăn được cứu trợ kịp thời, ngoài việc lập các đường dây nóng, các thôn, tổ dân phố phải bám sát địa bàn.

“Đã chi cho mỗi khẩu 500.000 đồng, trong thời gian tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, lãnh đạo tỉnh yêu cầu người dân là ai ở đâu thì ở đấy. Và các tổ cứu trợ, lực lượng quân đội, thanh niên, phụ nữ sẵn sàng hỗ trợ cho bà con được đi chợ, được mua những hàng thiết yếu. Các ban cứu trợ ở cấp xã, phường phải cứu trợ cho người dân khi người dân có người dân có yêu cầu”, ông Tuân nói./.