Ngày 28/6/2017 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành 2 Quyết định số 578 và 579/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản vàng của Công ty cổ phần Công nghiệp MOLYBDEN tại điểm mỏ bản Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông. Đồng thời  yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp quản lý khu đất, đảm bảo an ninh trật tự, tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản quý. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên VOV hiện nay tại đây vẫn diễn ra tình trạng khai thác vàng "chui" vô cùng phức tạp, gây mất an ninh trật tự xã hội và an toàn tính mạng con người.

vang_tac_vov_1_szyw.jpg
Toàn cảnh mỏ vàng Phì Nhừ, bản Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông.

Nằm cách trung tâm xã Phì Nhừ khoảng 9km, mỏ vàng Phì Nhừ trên đỉnh núi bản Háng Trợ vẫn tồn tại những lán trại phủ kín bạt, ni-lông nằm rải rác cheo leo ở những độ cao khác nhau trên lưng núi. Những hố rộng, hình vuông, sâu hàng chục mét trước đây được các “phu vàng” sử dụng tìm vàng cùng những cửa hầm hàm ếch sâu hoắm vào vách núi được hàng trăm “vàng tặc” miệt mài tận dụng để khai thác. Điều đó cho thấy, công cuộc khai thác vàng trái phép tại điểm mỏ này vẫn chưa bao giờ hết nóng.

Những người khai thác “vàng chui” tại đây đa phần là người Mông, không hề có một thiết bị bảo hộ lao động trong quá trình đào bới tìm quặng vàng. Họ, từ già đến trẻ bất chấp nguy hiểm, leo trèo trên vách núi, dùng cuốc, xẻng, búa đào đất đá, thi nhau hì hụi, mò mẫm đào bới, rửa đá, cặm cụi sắp xếp vào gùi rồi lầm lũi gồng mình gùi đi về với hy vọng vận may vẫn còn nằm sâu dưới các lớp đất đá sẽ đến với mình.

Điều đáng buồn nhất là nhiều đứa trẻ với nét ngây ngô khờ khạo cũng tham gia vào công việc rửa đá, xếp đặt vào gùi, phục vụ cho công cuộc tìm kiếm vận may của người lớn. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng xe máy gằn gừ leo dốc cùng tiếng búa sắt va đập vào đá liên hồi đã tạo nên một sự hỗn tạp, náo loạn cả một vùng sơn cước.

Ông Lầu Bua Sá, 57 tuổi, người dân bản Cồ Dề, xã Phì Nhừ thường xuyên chăn gia súc tại đây cho biết: Từ khi công ty khai thác vàng rút khỏi đây thì người dân các bản Cồ Dề, Háng Trợ, xã Phì Nhừ cùng với các xã lân cận của hai huyện Điện Biên Đông, Tuần Giáo lại tiếp tục tụ về đây khai thác. Nhà của công ty dỡ đi hết thì người dân lại tự ý mua lại lán trại và thuê người đưa máy móc về các hầm cũ trước đây của công ty khai thác để đào bới, tìm kiếm vàng.

Những hố rộng, hình vuông, sâu hàng chục mét trước đây được các “phu vàng” đào và sử dụng tìm vàng.

Do khai thác thô sơ, không có bảo hộ lao động nên nhiều người đã phải trả cái giá rất đắt khi liều mình mò mẫm giữa bạt ngàn thung sâu để cầu may một sự đổi đời từ vàng: “Từ năm 2015, 2016 công ty chuẩn bị rút về, không vào làm hầm khai thác nữa thì dân họ chui vào hầm đào đất, đá, tìm kiếm vàng. Đã có 3 trường hợp chết do sự cố đất sụp đổ, đá sập lao xuống đè lên người, trong đó có một trường hợp ở bản Háng Lìa, một trường hợp ở bản Cồ Dề”.

Những năm trở lại đây tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm tìm về đây để khai thác “chui” khoáng sản, tìm kiếm vận may ngày một nhiều. Và việc các lán, trại hiện nay đều có máy nổ, thùng phuy đựng nhiên liệu, nước sinh hoạt, lương thực, những đống củi cao quá đầu người cũng như những đàn gia cầm nhỏ được các chủ mỏ nuôi quanh lán trại, cho thấy việc lưu trú của các chủ mỏ tại đây là có chủ định và lâu dài.

Đặc biệt là hễ khi có mưa, thì lượng người ở các bản tìm về đây nhiều hơn vì khi đó đất đá dễ đào bới. Con suối lại thêm nước, tiện lợi cho việc rửa đá, đãi sa khoáng. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm dễ xảy ra sạt lở đất núi, tiềm ẩn những nguy cơ chết người. Đồng thời các chất độc hại như thủy ngân, Asen dùng để đãi vàng đã làm ô nhiễm nặng nguồn nước khiến người dân trong vùng không có nước sinh hoạt, sản xuất chăn nuôi đều bị ảnh hưởng.

Tìm vàng ... trong từng viên đá.

Anh Lò Văn Thưởng, người dân bản Nà Nghịu, xã Phì Nhừ, bản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tình trạng khai thác vàng tại đây bức xúc nói: “Cứ 2,3 ngày lại phải xúc cát, bùn từ mương chảy vào ruộng rất ảnh hưởng tới sản xuất. Nguồn nước này không thể dùng để cho gia súc gia cầm tắm được, các loại gia cầm vịt gà thả vào đều ảnh hưởng hoặc chết. Người dân cũng không còn nước để thả cá, thả vào là chết”.

Mỏ vàng Phì Nhừ được phát hiện trước năm 2006, và khi đó được đánh giá là mỏ có quy mô, trữ lượng lớn nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Sau khi mỏ vàng phát lộ, người dân đã tìm đến đào bới thủ công, khai thác khoáng sản theo kiểu “thổ phỉ”. Sau thời gian dẹp bỏ được tình trạng này, đến ngày 23/1/2008, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 98/QĐ-UBND cho phép Công ty cổ phần Molybden Điện Biên khai thác mỏ vàng tại điểm mỏ này với quy mô dự ước khai thác 14.000 tấn quặng nguyên khai/năm; sản phẩm sau chế biến thành vàng kim loại đạt 350 kg/năm, với hàm lượng vàng chiếm 99,9%. Tuy nhiên, do không đảm bảo cam kết, từ cuối năm 2016 đến nay công ty này đã “cao chạy xa bay” khiến tình trạng khai thác “vàng thổ phỉ” lại tái diễn tại mỏ vàng Háng Trợ này.

Đây cũng là điều mà chính quyền địa phương vô cùng lo ngại khi hệ lụy của việc khai thác vàng chui, bất chấp rủi ro, tiềm ẩn hiểm nguy đến sức khỏe, tính mạng của người dân lại tiếp tục ngày càng hiện hữu rõ hơn.

Ông Vừ A Bằng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết: “Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể đã vào cuộc, tổ chức tuyên truyền vận động người dân, phân tích cho nhân dân hiểu các quy định pháp luật và đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng. Chúng tôi cũng chỉ cố gắng quản lý làm sao để không xảy ra các điểm nóng, tránh việc tụ tập khai thác đông người một cách thổ phỉ và để xảy ra các vấn đề trật tự xã hội, tệ nạn xã hội. Còn việc khai thác nhỏ lẻ, trộm cắp, manh mún chúng tôi thật sự khó kiểm soát”.

Bao giờ người dân bản địa nơi đây mới được trả lại cuộc sống yên bình?.

Từ những thực tế hiện hữu, câu hỏi được đặt ra phải chăng các cấp chính quyền ở địa phương của tỉnh Điện Biên đã làm ngơ để cho doanh nghiệp mặc sức đến khai thác rồi tự ý bỏ đi?

Trách nhiệm khôi phục lại nguồn tài nguyên rừng, nước, đất ở đây sau khi nguồn tài nguyên vàng đã cạn kiệt là của ai? 

Việc quản lý, đảm bảo an toàn tính mạng cho những người dân đang cầu may tìm vàng tại đây trong thời điểm mưa lũ có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay thế nào?

Và đến bao giờ cuộc sống mưu sinh của dân nơi đây mới trở lại bình thường yên ấm như xưa khi mà vùng đất “dữ” Phì Nhừ vốn đã dữ nay lại tiếp tục dậy sóng vì cơn sốt tìm vàng!./.