Tại những điểm khai thác cát ở các xã Điện Thọ, Điện Trung, Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hàng ngày cả chục sà lan hút cát liên tục không ngừng nghỉ. Nhiều bến bãi tập kết cát hoạt động liên tục từ năm này sang năm khác. Lượng cát khai thác mỗi ngày lên tới hàng trăm tấn. Hàng trăm chiếc xe ben ùn ùn chở cát từ đây chạy về thành phố Đà Nẵng.

khai_thac_cat_qton.jpg
Khai thác cát trên sông Vu Gia, đoạn qua địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Thanh Tông, ở thôn Kỳ Lam, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn bức xúc: “Mấy năm nay tàu hút cát hoạt động mạnh, 3 đến 4 giờ sáng thấy hút cát rồi. Dân ra cản nhiều lần mà đâu có được, dân thì ở trên bờ mà ghe hút ngoài sông, nhiều người làm đơn gửi đi các nơi nhưng chưa có phản hồi. Tốc độ hút như năm ngoái đến năm nay qua mùa lụt chiếm nửa cái làng này. Nhà nước đã bỏ tiền ra làm kè nhưng làm vậy cũng lãng phí vì đất tụt hết xuống nước rồi”.

Chưa kể hoạt động khai thác cát lậu, điều đáng lo ngại là, tỉnh Quảng Nam đã cấp quá nhiều giấy phép khai thác khiến nguồn cát ngày càng cạn kiệt. Đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp 82 giấy phép khai thác cát sỏi, đất san lấp là vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, có 35 giấy phép khai thác cát, sỏi với diện tích hơn 150 ha, trữ lượng hơn 5,6 triệu m3.

Tại tỉnh Quảng Nam, cát sỏi chủ yếu tập trung ở lưu vực các con sông lớn như: Vu Gia và Thu Bồn. Sông ở đây có độ dốc lớn lại bị chặn dòng ở đầu nguồn để làm thủy điện nên lượng lớn cát, sạn đọng lại ở lòng hồ. Khu vực hạ du theo quy định, địa điểm cấp mỏ cát lòng sông phải cách bờ tối thiểu 100m nhưng thực tế tại nhiều địa phương, có nơi chỉ cách bờ chỉ 70m. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông.

Ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện nay ngành nông nghiệp đang chịu sức ép về sạt lở bờ sông. Như vậy vấn đề đánh giá tác động môi trường khi cấp phép hoạt động mỏ có nêu vấn đề sạt lở bờ sông do vận chuyển hay không? Thực tế hiện nay sông Vĩnh Điện sạt lở rất nhiều do vận chuyển cát. Hiện nay chưa có quy định 1 chiếc tàu vận chuyển bao nhiêu m3, chạy với vận tốc bao nhiêu trên sông?”.

 Để hạn chế sạt lở bờ sông, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam, cụ thể là thành phố Hội An và huyện Đại Lộc đầu tư hàng chục tỷ đồng xây kè bê tông. Nghịch lý dễ thấy là vừa mất tiền xây kè chống sạt lở nhưng địa phương lại vẫn cho doanh nghiệp khai thác cát gây sạt lở bờ sông.

Chính quyền địa phương và người dân ở đây đều thừa nhận, nguồn thu thuế từ khai thác cát là không đáng kể. Nhưng việc khai thác cát gây ra nhiều hệ lụy ghê gớm, nhất là số tiền khắc phục sạt lở, làm bờ kè và các chi phí không đo đếm được như ô nhiễm môi trường và hư hỏng đường sá do xe chở cát gây ra./.