Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn cho biết, mấy ngày qua, có hiện tượng hành khách chờ đợi đông tại khu vực nhà ga đi Tân Sơn Nhất. Nguyên nhân, là do hành khách chưa tiếp cận thông tin về việc bỏ yêu cầu test nhanh gây tâm lý đến sân bay rất sớm trước chuyến bay vì lo ngại trễ chuyến bay do làm thủ tục y tế.

Đáng chú ý, theo ông Sơn, riêng ngày 23/1, có tới 25 chuyến bay không thể cất cánh đúng giờ từ Tân Sơn Nhất do sương mù tại Nội Bài.

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị điều chỉnh một số chuyến bay trong khung giờ cao điểm song song với việc đề nghị các hãng chuyển sang khai thác khung giờ bay đêm.

Cơ quan này cũng đề nghị tăng cường công tác truyền thông đến hành khách về việc bỏ yêu cầu test nhanh trước khi lên tàu bay, hành khách không nên đến sân bay quá sớm, mà chỉ cần đến sân bay phù hợp với giờ bay ghi trên vé.

Trước đó, theo thông tin của Báo Giao thông, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã triển khai hàng loạt giải pháp chống ùn tắc tại sân bay dịp Tết.

Cụ thể, Bộ GTVT ban hành văn bản số 68 quy định rõ hành khách đi chuyến bay nội địa không phải thực hiện việc test nhanh tại cảng, giảm thiểu ùn tắc.

Bộ GTVT cũng yêu cầu di chuyển khu vực tổ chức xét nghiệm của Bệnh viện Tâm Anh tại bên ngoài sảnh đi nội địa Tân Sơn Nhất, dành không gian này để hành khách xếp hàng.

Phía Cục Hàng không Việt Nam cũng linh hoạt trong việc điều hành slot tại các sân bay. Cụ thể, tại sân bay Tân Sơn Nhất, mặc dù quyết định tăng số chuyến bay điều phối từ 40 lên 46 chuyến/giờ, tuy nhiên vẫn giữ chỉ số chuyến bay cất cánh nội địa là 24 chuyến/giờ (so Tết năm 2020 là 26 chuyến/giờ).

Thực tế, trong ngày 23/1, khung giờ cao nhất đạt 19 chuyến/giờ (từ 11h00-11h59) đạt 79% so với năng lực khai thác. Tuy nhiên, do thời tiết sương mù tại Nội Bài từ 04h20 đến 09h30 không tiếp thu được chuyến bay hạ cánh, 25 chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đã phải chậm giờ.

Ngày 24/1, khung giờ cao nhất đạt 22 chuyến/giờ (từ 07h00-07h59) đạt 91% so với năng lực khai thác.

Tại Nội Bài, mặc dù số chuyến bay điều phối tăng từ 25 lên 31chuyến/giờ, tuy nhiên vẫn giữ chỉ số chuyến bay cất cánh nội địa là 17 chuyến/giờ (so Tết năm 2021 là 17 chuyến/giờ).

Được biết, trong ngày 23/1, khung giờ cao nhất đạt 10 chuyến/giờ (từ 13h00-13h59) đạt 59% so với năng lực khai thác. Ngày 24/01, khung giờ cao nhất đạt 10 chuyến/giờ (từ 06h00-06h59) đạt 59% so với năng lực khai thác.

Không để ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết Nguyên đán

Trước sự gia tăng đột biến lượng khách đi máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, chiều 24/1, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cùng với lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã làm việc với Cảng vụ hàng không miền Nam, các doanh nghiệp hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất về kế hoạch phục vụ hành khách, đảm bảo an ninh, an toàn dịp Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng không Miền Nam cho biết, dự báo trước cao điểm hành khách về quê ăn Tết, cảng vụ và các hãng bay đã có nhiều cuộc họp đưa ra kế hoạch, phương án vận hành thông suốt.

Hiện nay, khu vực làm thủ tục đã mở đến 17 máy soi an ninh để phục vụ hành khách, đồng thời duy trì Tổ phản ứng nhanh chống ùn tắc cả trong và ngoài sân bay. Trong 3 ngày vừa qua, lượng hành khách tăng đột biến, tuy có ùn ứ nhưng không tắc nghẽn.

Theo ghi nhận của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong ba ngày 21, 22 và 23/1 có 181 lần chậm chuyến.

Đặc biệt, cao điểm ngày 23/1 có 99 chuyến bay bị chậm vì lý do sương mù dày đặc ở miền Bắc khiến máy bay không hạ cánh được ở một số sân bay, gây chậm trễ dây chuyền.

Ông Nguyễn Quốc Phương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đánh giá tình hình đợt cao điểm hành khách về quê ăn Tết năm nay trên thực tế chỉ đông hơn so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng so với năm 2020 chỉ đạt xấp xỉ 40%.

"Từ nay đến 30 Tết, năng lực vận hành của cảng Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể đáp ứng được", ông Phương khẳng định.

Theo ông Khuất Việt Hùng, một trong những vấn đề quan trọng là phải nâng cao năng lực xét nghiệm tại khu vực ga quốc tế, vì theo báo cáo, hiện nay mới chỉ đáp ứng được 300 hành khách/giờ, trong khi đó chỉ 4 chuyến bay hạ cánh đã có đến khoảng 1.000 hành khách.

Cùng đó, ông Hùng cũng yêu cầu lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất nâng cao năng lực phục vụ hành khách, đặc biệt là dịp Tết khi lượng hành khách về quê ngày càng tăng trong những ngày tới.

Cũng về vấn đề trên, ông Phạm Văn Hảo- Cục phó Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không phải hạn chế tối đa tình trạng chậm huỷ chuyến. Đồng thời yêu cầu ACV, cụ thể là sân bay Tân Sơn Nhất cần bố trí nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ hành khách ngay từ khu vực sảnh ngoài để hạn chế tối đa ùn ứ.

"Khi có tình trạng chậm chuyến, các hãng phải chủ động thông báo ngay lập tức cho hành khách", ông Hảo yêu cầu.

Phía các hãng hàng không cũng khuyến cáo hành khách đi máy bay không nên ra sân bay trước cả 4-5 giờ như những ngày vừa qua, mà chỉ đến đến trước khoảng 3 tiếng và chủ động làm thủ tục online tại nhà hoặc check-in tại các kios ở sân bay để không phải xếp hàng chờ làm thủ tục lâu.

Trước đó, ngày 21/1, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng slot và quyết định tăng tham số điều phối và chuyến bay. Theo đó tổng tải cung ứng tăng xấp xỉ 13%, đạt 3,2 triệu ghế và 15,3 nghìn chuyến bay.

Như vậy, với lượng tải cung ứng như trên, nhu cầu vận tải hành khách dịp Tết Nguyên đán cơ bản được đáp ứng./.