Chiều 8/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi làm việc với đoàn công tác của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về hiệu quả hoạt động thấp của Nhà máy xử lý rác thải Lý Sơn do Tổng Cục Môi trường đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hơn 3 tháng nay.

Tháng 6 năm nay, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được đưa vào sử dụng. Dự án có mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng, công suất xử lý hơn 15 tấn rác thải ngày/đêm, xử lý đốt gần 5 tấn và ủ mùn sinh học trên 10 tấn. 

Tuy nhiên, sau khi vận hành, mỗi ngày nhà máy chỉ xử lý được 1,5 tấn rác thải. Trong khi đó, mỗi ngày lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường ở huyện đảo Lý Sơn lên tới gần 20 tấn. Hiện nay, ven vùng biển huyện đảo Lý Sơn, rác thải vẫn tràn ngập và ô nhiễm nặng.

rac_hgjz.jpg
Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Lý Sơn được đầu tư hơn 30 tỷ đồng (Ảnh: Vinh Thông)

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận: “Chúng tôi cũng hiểu rằng trong quá trình vận hành còn một số trục trặc không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý, xử lý, phân loại rác tại nguồn rất khó. Chúng ta không thể mong nhân dân đảo Lý Sơn có thể phân loại rác tốt chỉ qua một vài tháng. Vì thế, chúng tôi cũng đã lường được một số khó khăn”.

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Lý Sơn thuộc dự án “Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp xử lý chất thải rắn cho các đảo, áp dụng tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”. Việc vận hành chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, công suất của Nhà máy so với thực tế xử lý rác thải tại Lý Sơn chưa đáp ứng được nhu cầu. Khâu thu gom, vận chuyển để đưa vào xử lý... chưa tốt dẫn đến tình trạng rác thải xử lý không hết, số lao động thực hiện tại khu xử lý chưa có kinh nghiệm.

Ông Phạm Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư khắc phục những bất cập hiện nay: “Tiếp tục hướng dẫn, theo dõi trực tiếp tại chỗ khu xử lý rác thải này trong giai đoạn chạy thử nghiệm để hướng dẫn, nhắc nhở công nhân làm đúng quy trình. Trên cơ sở đó đánh giá cái nào được, cái nào chưa được... để dự án trong thời gian tới quản lý vận hành tốt. Chúng tôi cũng đề nghị chủ đầu tư xem xét khắc phục những phần việc thuộc dự án nhưng chưa thực hiện, hoặc thực hiện nhưng chưa đầy đủ”./.