Việt Nam vừa gia nhập Công ước 187 về Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Đây được coi là thước đo để đánh giá mức độ quản lý về an toàn vệ sinh lao động của quốc gia, góp phần bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người lao động, người sử dụng lao động và toàn xã hội.

** Thưa ông, việc Việt Nam gia nhập Công ước 187 về Khung về chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có ý nghĩa như thế nào?

Ông Gyorgy Sziraczki: Việc Việt Nam phê chuẩn và gia nhập Công ước 187 có tác động rất lớn, không chỉ trong nước mà còn mang tính toàn cầu, đối với quốc tế.

giam_doc_ilo_ohad.jpgông Gyorgy Sziraczki- Giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam (ảnh: ILO)
Khi gia nhập công ước này, Việt Nam cam kết sẽ thực hiện tích cực hơn để thúc đẩy các hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Qua đó, tạo sân chơi tốt hơn, bình đẳng hơn cho tất cả các doanh nghiệp cũng như lao động làm việc trong các doanh nghiệp, không chỉ có cơ hội việc làm mà còn có cơ hội làm việc trong môi trường tốt hơn, được đảm bảo an toàn vệ sinh lao động khi làm việc.

Điều này sẽ giúp tăng cường mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Còn sự tác động toàn cầu, mang tính quốc tế đó là khi gia nhập công ước này đã thể hiện việc Việt Nam tuân thủ theo những tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Như vậy, đây là tín hiệu tốt để thông báo với bạn bè quốc tế cũng như các nhãn hàng quốc tế rằng Việt Nam đang sản xuất những sản phẩm và cung cấp các dịch vụ được tạo ra trong môi trường làm việc và an toàn vệ sinh lao động tốt.

Hiện nay Việt Nam đang đàm phán để gia nhập Hiệp định TPP cũng như sắp tới sẽ tham gia vào Ủy ban kinh tế của ASEAN thì đây là cơ hội để Việt Nam gửi gắm tới các đối tác trong các Hiệp định cũng như Ủy ban này là sẽ tăng cường về công tác an toàn vệ sinh lao động và giúp nâng cao danh tiếng của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Thêm một điều nữa là Công ước này là Công ước thúc đẩy. Và yếu tố quan trọng của việc thúc đẩy này là tạo ra văn hóa phòng ngừa và điều này sẽ rất tốt cho mọi hoạt động. Ở đó, chúng ta tạo điều kiện cho 2 đối tác chính trong quan hệ lao động là người lao động và người sử dụng lao động có cơ hội đối thoại với nhau để cùng nhau làm việc, đưa ra các biện pháp giúp tăng cường an toàn vệ sinh lao động hơn dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn của Chính phủ và Nhà nước.

Tất cả những điều này là dấu hiệu tốt cho thấy chúng ta đang cố gắng tăng cường văn hóa phòng ngừa trước khi xảy ra các tai nạn do mất an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa để có môi trường làm việc tốt hơn.

** Vậy Việt Nam nhận được những hỗ trợ gì từ Tổ chức lao động quốc tế (ILO) khi gia nhập Công ước này, thưa ông?

Ông Gyorgy Sziraczki: Điều quan trọng ở đây chính là làm thế nào để chúng ta có thể ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động thì trước hết chúng ta phải thu thập được những số liệu, dữ liệu chính xác hơn về tai nạn lao động cũng như bệnh nghề nghiệp. Điều mà ILO có thể làm ở đây chính là chúng tôi có thể cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam, giúp Việt Nam thu thập được những con số thống kê chính xác hơn. Từ đó, có những kế hoạch và biện pháp để có thể tăng cường hơn nữa an toàn vệ sinh lao động.

Như vậy, bằng việc tiến hành phê chuẩn Công ước này không những thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam. Thông qua đó, các dơn vị có liên quan như Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, VCCI đã cam kết với Chính phủ là sẽ cố gắng thu thập nhiều thông tin hơn nữa và có những con số chính xác hơn cũng như đưa ra những giải pháp nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường thúc đẩy vệ sinh an toàn lao động. Hy vọng, với sự hợp tác 3 bên như vậy có thể giúp chúng ta có được những cơ sở dữ liệu chính xác hơn, từ đó có thể đưa ra những biện pháp tốt nhất để tăng cường an toàn vệ sinh lao động và giảm thiểu những vụ tai nạn thương tật cũng như gây ra chết người tại nơi làm việc.

** Xin cảm ơn ông./.