Trong các ngày 7-8/11/2012, Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Diễn đàn Thái Bình Dương (Mỹ) chủ trì tổ chức Cuộc họp lần thứ 16 của Nhóm nghiên cứu về Chống phổ biến vũ khí hủy diệt của Hội đồng hợp tác an ninh Châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP) tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự Cuộc họp có các đại biểu đến từ các nước thành viên CSCAP cũng như chuyên gia của một số tổ chức quốc tế có liên quan như Liên Hợp Quốc và các chuyên gia tư vấn độc lập.
CSCAP là cơ chế ngoại giao bán chính thức lớn nhất tại Châu Á – Thái Bình Dương, quy tụ các quan chức, chuyên gia, cố vấn và học giả đến từ các nước Châu Á – Thái Bình Dương để đối thoại về các vấn đề an ninh đang nổi lên ở khu vực, qua đó tăng cường xây dựng lòng tin, kiến nghị chính sách cho chính phủ và các thể chế khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) nhằm duy trì hòa bình, ổn định khu vực, ứng phó với các thách thức khu vực.
Nhóm nghiên cứu về Chống phổ biến vũ khí hủy diệt là một trong những nhóm nghiên cứu quan trọng và lâu nhất của CSCAP, do Việt Nam và Mỹ đồng chủ trì, có mục tiêu nâng cao nhận thức và hợp tác của khu vực phòng chống nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và đề ra các biện pháp tăng cường an ninh, an toàn trong sử dụng công nghệ hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình.
Cuộc họp lần thứ 16 tập trung vào các vấn đề như đánh giá những thách thức an ninh đang nổi lên có liên quan đến vũ khí hủy diệt và những tiến triển gần đây trong công cuộc hợp tác chống phổ biến vũ khí hủy diệt ở Châu Á – Thái Bình Dương, những điểm nóng khu vực như vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chương trình hạt nhân của Iran và các sáng kiến, cơ chế hợp tác đa phương như Sáng kiến An ninh phổ biến (PSI), Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT)…
Đồng thời, cuộc họp cũng đã trao đổi những vấn đề cùng quan tâm khác như an toàn hạt nhân trong bối cảnh khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011 và những sự kiện quốc tế lớn như Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân Seoul.
Song song với Cuộc họp CSCAP lần này Việt Nam và Mỹ cũng đồng tổ chức Cuộc họp đầu tiên của Nhóm chuyên gia năng lượng hạt nhân (NEEG), nhằm đánh giá các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và tìm kiếm các biện pháp mới để thúc đẩy hợp tác trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển những nguồn năng lượng mới để phục vụ nhu cầu phát triển trong tương lai, các vấn đề liên quan đến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt như an ninh, an toàn hạt nhân, ngày càng có ý nghĩa thực tiễn và cấp thiết đối với Việt Nam.
Học viện Ngoại giao đồng chủ trì với Nhóm nghiên cứu về chống phổ biến vũ khí hủy diệt là nỗ lực hội nhập khu vực và quốc tế trong vấn đề an ninh, an toàn hạt nhân, mở rộng mạng lưới hợp tác phục vụ lợi ích quốc gia của Việt Nam, đồng thời thể hiện phương châm của Việt Nam “chủ động, tích cực, có trách nhiệm” với các vấn đề chung của khu vực và thế giới./.