Ngày 10/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế và định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì Hội nghị.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm Y tế đã từng bước đi vào cuộc sống, tác động thích cực đến chính sách y tế ở Việt Nam. Những quy định của Luật đã cơ bản khắc phục những tồn tại hạn chế sau 16 năm thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các gói giải pháp tài chính để chăm lo cho sức khỏe, góp phần ổn định hệ thống an sinh xã hội.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng, sau 3 năm thực hiện đã có thêm 7 triệu người tham gia, và tính đến cuối tháng 9/2012, cả nước đã có hơn 57 triệu người tham gia.

Từ năm 2010, quỹ bảo hiểm y tế đã cân đối thu chi, bù đắp bội chi các năm trước và năm nay ước tổng thu là hơn 39.600 tỷ đồng, số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ước đạt hơn 37.500 tỷ đồng. Các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội như người nghèo, đồng bào dân tộc, trẻ em… điều được chăm sóc sức khỏe thông qua quỹ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, việc thực hiện ở một số nơi thiếu đồng bộ, công tác tuyên truyền chưa tốt nên tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế chưa đầy đủ, tính tuân thủ chưa cao.

Sau khi phân tích những tồn tại, hạn chế, các đại biểu là đại diện ngành y tế, các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm y tế phường xã và cả các tổ chức quốc tế cũng đã có những tham luận để làm sao luật bảo hiểm y tế khắc phục được những tồn tại bất hợp lý, đảm bảo quyền lợi của các bên, nhất là đối với người dân, phấn đấu đến năm 2020 đạt được ít nhất 80% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Để đạt được chỉ tiêu này, cần phải tuyên truyền rất rộng rãi để mọi người dân đều tham gia, tránh lựa chọn ngược, tức là người ốm mới mua, người khỏe không mua; Phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tránh phiền hà cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi…”./.