Theo thông tin từ Ban Tổ chức, Đại hội có sự tham dự của 1.091 đại biểu gồm Chư tôn đức Hòa thượng thành viên Hội đồng Chứng minh; Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni, Cư sĩ, tín đồ Phật tử thành viên Hội đồng Trị sự GHPGVN; đại biểu các Ban, Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trong cả nước; đại biểu Tăng Ni, Phật tử Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.
Với chủ đề “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX là sự kiện quan trọng được tiến hành theo Hiến chương GHPGVN. Sau 5 năm hoạt động, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự tổ chức Đại hội để tổng kết, đánh giá thành tựu Phật sự nhiệm kỳ VIII, đề ra phương hướng hoạt động Phật sự, nhiệm vụ chiến lược phát triển Giáo hội trong 5 năm tiếp theo của nhiệm kỳ IX (2022-2027).
Đại hội IX GHPGVN có nhiệm vụ cử hành nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ và Hội đồng Chứng minh; Suy cử Chủ tịch và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027; Nghi thức tấn phong Giáo phẩm tại Đại hội; Thực hiện nghi thức tuyên dương khen thưởng của Giáo hội và Nhà nước trao tặng các tập thể Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự và cá nhân Chư tôn đức Tăng Ni, cư sĩ Phật tử thành viên Giáo hội. Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội IX là tiến hành tu chỉnh Hiến chương GHPGVN và một số Phật sự quan trọng khác.
Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần IX nhiệm kỳ 2022 - 2027, có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như: triển lãm Mỹ thuật Phật giáo “Sen đầu hạ” tại Bảo tàng Trường Đại học Mỹ thuật; triển lãm Phật sự - GHPGVN tại Cung Văn hóa Lao động hữu Nghị Việt - Xô; chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội IX - GHPGVN diễn ra vào lúc 20h ngày 27/11/2022, được phát sóng trực tiếp trên kênh BTV9 cùng các nền tảng trực tuyến của Truyền hình An Viên.
12 mục tiêu, chương trình tổng quát mà Đại hội IX hướng tới
1. Nêu cao kỷ cương, giới luật, gắn liền trách nhiệm trong mọi hoạt động Phật sự của Tăng Ni, Phật tử là trên hết, trước hết. Nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế. Vững vàng kiên định trên con đường phụng sự theo lý tưởng: Đạo pháp - Dân tộc - CNXH.
2. Nâng cao năng lực quản trị hành chính và điều hành hoạt động Phật sự của Giáo hội. Xây dựng Giáo hội số theo xu thế thời đại. Kiện toàn và hoàn thành các trung tâm điều hành điện tử của hai văn phòng Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương.
3. Tăng Ni, Phật tử GHPGVN không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời, chung tay cùng đồng bào và Nhân dân cả nước phấn đấu cho mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
4. Đẩy mạnh sự nghiệp hoằng dương giáo pháp của Đức Phật vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đổi mới, sáng tạo trong phương thức hướng dẫn tín đồ Phật tử. Hướng dẫn các pháp môn thực hành của Phật giáo phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần, xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội.
5. Phát huy tinh thần nhập thế của đạo Phật, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục Phật giáo trên cả hai lĩnh vực: đào tạo Tăng Ni và tham gia vào nền giáo dục xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng loại hình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và thực hành giáo pháp tại các cơ sở đào tạo của GHPGVN.
6. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế.
7. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, quan hệ Phật giáo quốc tế theo định hướng gắn với ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Kiện toàn, mở rộng và kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.
8. Mở rộng và thúc đẩy công tác nghiên cứu Phật học tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu Phật học của GHPGVN. Hợp tác và liên kết nghiên cứu Phật học với các cơ sở nghiên cứu, trường đại học ở trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo. Tập trung nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam.
9. Tăng cường công tác pháp chế, giám sát, kiểm soát các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội. Quản lý chặt chẽ sinh hoạt tự viện, sinh hoạt của Tăng Ni theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước.
10. Xây dựng nền tảng chuyển đổi số của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phù hợp và tương thích với công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh hơn nữa truyền thông Phật giáo là kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của Đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
11. Phát huy tinh thần từ bi của đạo Phật, không ngừng đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội. Kêu gọi Tăng Ni, tín đồ Phật tử tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm lo công tác an sinh xã hội.
12. Lan tỏa triết lý Phật giáo trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Xây dựng đội ngũ doanh nhân Phật tử hướng tới tự chủ tài chính trong các hoạt động Phật sự của Giáo hội qua việc xây dựng mô hình kinh tế Phật giáo ở những lĩnh vực hợp lý. Khuyến khích phát triển kinh tế tự túc của các cơ sở tự viện./.