Hành trình “trở về” của bệnh nhi - được các bác sĩ gọi vui là “tiểu phi công” (so sánh với phi công người Anh - “bệnh nhân 91”) in đậm dấu ấn chuyên môn và tâm huyết của y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Câu chuyện phía sau quá trình cứu sống bệnh nhi Phong cũng là một trong 22 đề cử “Thành tựu Y khoa Việt Nam” tại TP.HCM để tôn vinh những người thầy thuốc nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).

Không để lỡ giờ vàng trong đêm

“Giữa khuya 23h, thì làm sao gọi được nhà hảo tâm vì người ta ngủ nghỉ nữa, thành ra mình tự làm luôn. Giả sử không kiếm được mạnh thường quân thì bỏ tiền lương của tôi ra trả. Và sau đó, chúng tôi tiến hành làm vì Phong nặng ký, ê kip gồm 4 điều dưỡng, 4 bác sĩ đã tham gia điều trị cho Phong” - đây là tâm sự của Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố về thời khắc đi đến quyết định chọn phương án can thiệp ECMO - vũ khí, phương tiện hỗ trợ hô hấp cuối cùng cho trường hợp nguy kịch do COVID-19 đối bệnh nhi Lê Minh Phong, 15 tuổi, ngụ TP.HCM.

Phong vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tối 4/11 sau ba ngày sốt cao, ho đàm, khó thở, đau ngực tăng dần, nồng độ oxy trong máu (SpO2) khoảng 90%. Cậu bé mắc COVID-19 trong tình trạng phổi hỏng 90%, có cơ địa béo phì với 120kg (nặng hơn cả phi công người Anh - bệnh nhân 91 được cứu sống ngoạn mục năm 2020), em lại chưa được tiêm vaccine.

Tình trạng suy hô hấp với Phong nhanh chóng tăng dần, dù được đặt nội khí quản giúp thở, thở máy với thông số cao nhưng vẫn tình trạng trên vẫn không cải thiện. Bác sĩ họp khẩn chọn phương án can thiệp ECMO. Kỹ thuật này chi phí rất cao, gia đình phải đồng chi trả 20% vì bé có thẻ Bảo hiểm Y tế, nhưng lúc này chỉ có anh trai đi cùng Phong.

Qua điện thoại, người mẹ khóc và cho biết không có tiền để cứu con. Bác sĩ Tiến nhanh chóng liên lạc với Phòng Công tác xã hội để nhờ kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ. Nhưng tình trạng nguy cấp tính bằng giờ vàng, phút vàng, không chờ đến sáng để nhận thông tin hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, các bác sĩ phải níu giữ hơi thở cho bé.

Bác sĩ Tiến nhớ lại: “Khi gắn được hệ thống máy ECMO xong thì tự nhiên mình thấy oxy từ 82, 83% rồi SPO2 lên 92 ,94. Nửa đêm mình làm rất cực nhưng tín hiệu đáp ứng rất nhanh, bắt đầu mình thấy phần thắng nghiêng rồi. Có những lúc oxy tụt, phổi càng ngày càng xấu, phải dùng tới những thuốc kháng sinh phổ rộng cao cấp. Từ chỗ về gần bờ rồi lại xa bờ, mà thậm chí sóng gió nữa”.  

Phong tiếp tục gặp phải các đợt nhiễm trùng huyết, nhiễm nấm huyết, phải điều trị kháng sinh phổ rộng, phản ứng viêm của bệnh nhi liên tục tăng rất cao, phải lọc máu liên tục. Sau 12 ngày, khi ngưng lọc máu, bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhi từ Khoa Nhiễm sang Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc để thuận tiện điều trị. Để phác thảo chi tiết quá trình di chuyển bệnh nhi cùng hệ thống ECMO và máy móc cồng kềnh, các bác sĩ phải lên kế hoạch dài 3 trang giấy, tỉ mỉ về máy móc, sắp xếp nhân sự, bố trí nhiệm vụ... Vì chỉ cần sai sót hoặc tuột dây trong quá trình di chuyển, tính mạng của bé sẽ rơi vào tay “tử thần”.

Hành trình đưa “tiểu phi công” trở về

Tại Khoa Hồi sức, bệnh nhi diễn tiến cải thiện dần, được ngưng chạy ECMO sau 26 ngày, cai máy thở, tập thở, tập vận động. Lúc này, công tác chăm sóc bệnh nhi cũng được “chuyên môn hóa”. Bệnh viện phải lập các nhóm chuyên về chăm sóc vết thương, nhóm vận hành ECMO, vật lý trị liệu để phối hợp mang lại kết quả tốt nhất. Ngoài ra, còn có cả nhóm tâm lý để đồng hành cùng Phong vượt qua nỗi sợ hãi, cô đơn vì trước đó bé đã mồ côi cha.

Điều dưỡng Đặng Thị Tâm, Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhi, chị khá “sốc” khi nhìn thấy thân hình to lớn của bé cùng hàng loạt dây chằng chịt. Đây là bệnh nhi nặng ký nhất từ trước đến nay mà chị được gặp. Với sức vóc nhỏ bé, để nhấc một chân của bé với chị cũng đã là rất khó khăn.

Các điều dưỡng phải phối hợp từ 3-4 người mới có thể xoay xở, chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho bé. Mỗi ca trực, chị Tâm đều ướt đẫm mồ hôi, nhất là trong thời gian trẻ chưa khỏi COVID-19, phải ở lâu trong bộ đồ bảo hộ: “Chúng tôi làm việc liên tục không nghỉ trong sáu tiếng và hỗ trợ về mặt xoay trở, vệ sinh cá nhân, làm cho bé tốt nhất để hạn chế nhiễm trùng. Những bé cân nặng thì nằm lâu dễ bị loét lắm. Chúng tôi cũng áp lực lắm vì chăm bé này rất khó, can thiệp nhiều máy móc nên hệ thống dây chằng chịt lắm”.

Với bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, từ khi Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi COVID-19 đến nay với khoảng hơn 3.000 ca, chỉ có khoảng từ 4-5 bệnh nhi phải thở máy, chạy ECMO. Trong đó, Phong là bệnh nhi nặng nhất.

Cũng theo bác sĩ Thy, trong quá trình điều trị với sự đồng hành của các y bác sĩ, Phong đã không buông xuôi mà luôn kiên cường, dũng cảm đối diện với khó khăn, nhất là trong giai đoạn cai máy thở. Đó cũng là điều chị ấn tượng nhất trong 18 năm công tác hồi sức của mình: “Phong khi hồi phục sức khỏe một phần thì bắt đầu nhớ gia đình, nhớ người thân, nhớ ra là ba mình đã mất, bé nhớ lại kỷ niệm với ba, với người thân. Lúc đó chúng tôi nhìn con thương lắm nhưng cũng không thể cùng san sẻ với nỗi đau mất người thân”.

Đến nay, bệnh nhi Phong đã hồi phục dần dần, sớm có thể trở lại với nghề múa lân của em để mưu sinh, nhưng các y bác sĩ vẫn trăn trở làm sao để bù đắp, nâng đỡ được tinh thần cho bệnh nhi khi có quá nhiều sự thay đổi về sức khỏe, tâm lý.

Gần 2 tháng qua, sau khi xuất viện, bé vẫn thường xuyên được các y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đồng hành trên chặng đường dài hồi phục sức khỏe và tinh thần./.