Tại Đại hội đại biểu nông dân toàn quốc lần thứ 6 đang diễn ra ở Hà Nội, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và thảo luận là việc triển khai các giải pháp vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Các đại biểu cho rằng Hội nông dân các cấp cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động hội, làm trung tâm và nòng cốt cho Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hưởng ứng phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ phát động, các cấp hội nông dân đã tích cực tuyên truyền vận động hội viên, người dân hiến đất, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, hàng chục triệu ngày công lao động để xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn như làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa trường học.
Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận cán bộ, hội viên nông dân về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, còn có tâm lý trồng chờ y lại vào sự đầu tư của Nhà nước, chưa có ý thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Theo các đại biểu, cán bộ hội nông dân cần tăng cường tuyên truyền giải thích cho hội viên, người dân hiểu và thấy rõ được chủ thể hưởng thụ các loại dịch vụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt nâng cao đời sống dân sinh, như điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi…
Đại biểu Sùng Chính Vừ, Chủ tịch Hội nông dân xã Sả Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nói: “Xây dựng nông thôn mới mình phải tuyên truyền và chọn tiêu chí nào dễ làm trước còn khó làm sau. Phải nói với bà con, xây dựng nông thôn mới là bà con được hưởng không phải làm cho ai hưởng. Và quan trọng là phải chứng minh được, từ đó họ mới tin mình”.
Hiện, tỷ lệ hộ nghèo hội viên ở các địa phương miền núi, vùng cao vẫn còn lớn. Do đó, Hội nông dân cần phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ kỹ thuật, vật tư, thương mại, dịch vụ vận tải, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo nghề nông thôn để giải quyết tình trạng thiếu việc làm.
Đại biểu Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội nông dân huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An nêu ý kiến: “Đào tạo nghề và chuyển đổi nghề là vấn đề quan trọng vì sau khi họ được đào tạo nghề có thể sống được với nghề thì có thể làm được, triển khai được. Nghề nào thiết thực trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và phối hợp với các trung tâm đào tạo cơ sở. Trước mắt tập trung chăn nuôi làm trang trại hay như chuyển đổi nghề làm các phụ phẩm nông nghiệp gắn liền mục tiêu phương hướng phát triển kinh tế xã hội địa phương”.
Thực hiện Chương trình nông thôn mới, hội viên nông dân gặp khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp với người dân. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển ở nông thôn. Hội Nông dân phải coi đây là khâu quan trọng để hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lê Quang Vân, Chủ tịch hội nông dân xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang nêu ý kiến: “Trung ương hội cần có chính sách cụ thể hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương làm sao giúp cho các chi hội ở nông dân cấp xã để có những biện pháp cùng trao đổi với nông dân cùng thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ưu đãi cho nông dân. Trong giai đoạn hiện nay những nông sản mà bà con sản xuất ra giá rất thấp và bấp bênh trong đầu ra tiêu thụ vì vậy rất cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân để bà con an tâm sản xuất”.
Thời gian tới, căn cứ vào tình hình cụ thể ở từng địa phương, hội nông dân các cấp đảm nhận thực hiện một số việc cụ thể trong nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống.
Theo đó, các cấp hội cần tham gia thực hiện, giám sát các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở kinh tế ở nông thôn như đường giao thông, cải tạo , xây dựng hệ thống thủy lợi, các công trình phúc lợi... vừa thể hiện vai trò trách nhiệm của Hội, vừa đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên./.