Trong khi hệ thống giao thông miền núi bị tàn phá nặng nề qua các đợt thiên tai vẫn chưa khắc phục xong, để đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn, phụ huynh và thầy cô giáo tại miền núi tỉnh Quảng Nam phải cõng học sinh lội qua sông, suối, băng qua những đoạn đường nguy hiểm để đến lớp.

 Những ngày này, người dân xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam yên tâm cái bụng khi nhìn thấy làng mới Bằng La kiên cố, khang trang đã mọc lên bên dòng sông Leng. Sau bao biến cố đau thương, vùng đất này đang dần hồi sinh. Gần 2 năm sau trận sạt lở núi kinh hoàng làm 31 người chết, mất tích, cuộc sống của 10 đứa trẻ mồ côi tại Trà Leng bị xáo trộn, đổi thay quá nhiều.

Thiên tai đã cướp đi cả cha và mẹ của Hồ Văn Trí. Là anh cả, giờ đây Trí là trụ cột của gia đình. Vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, thay vì lựa chọn công việc tại thành phố như bạn bè, Trí xin làm việc tại UBND xã Trà Leng để gần nhà, tiện chăm sóc các em. Hồ văn Trí cho biết, nhớ cha thương mẹ, các em nhiều lần định bỏ học, nhưng được anh chị khuyên nhủ đã bình tâm, nỗ lực vượt khó đến lớp.

“Ngoài làm việc ở UBND xã thì em tranh thủ làm thêm nhiều việc để dành tiền lo cho cuộc sống và việc học của các em. Ngoài ra nhiều tổ chức cũng giúp đỡ kinh phí để các em được tiếp tục theo học”,  Hồ văn Trí nói.

Hành trình đi tìm con chữ ở vùng cao tỉnh Quảng Nam chưa bao giờ dễ dàng, đối với những vùng sạt lở núi như huyện Phước Sơn cũng bộn bề gian khó. Trận mưa lũ gây sạt lở hồi cuối năm 2020 cuốn trôi ngôi nhà của gia đình em Hồ Thị Hân, lớp 5B, trường Tiểu học- Trung học cơ sở Phước Thành, huyện Phước Sơn. Cuối năm ngoái, gia đình Hồ Thị Hân dọn về nhà mới tại khu tái định cư thôn 3, xã Phước Thành.

 Tuy nhiên, đường đến trường của Hân và các bạn vẫn còn lắm nỗi lo mất an toàn khi nguy cơ sạt lỡ, lũ quét vẫn rình rập. Hân nhớ lại những lần được cha cõng qua dòng nước chảy siết, đi qua những đoạn đường ngổn ngang, lầy lội để đến trường, đất đá từ trên sườn đồi lăn xuống, Hân ôm chặt vai cha gạt đi nỗi sợ hãi. Khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ cô học trò Hồ Thị Hân có ý định bỏ học, nhiều năm qua liên tục đoạt doanh hiệu học sinh xuất sắc.

“Cho dù mưa bão thì con vẫn cố gắng đi học, con không muốn bỏ học chút nào, đến trường rất là vui, thầy cô giáo rất yêu thương tụi con. Con mong muốn sẽ sớm có đường bê tông để tụi con đi học được dễ dàng hơn", em Hồ Thị Hân cho biết.

Bước vào năm học mới 2022- 2023, gần 1 ngàn học sinh ở vùng cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn đối mặt với bao hiểm nguy từ thiên tai. Thầy Lê Đình Thường, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học- Trung học cơ sở Phước Thành, huyện Phước Sơn cho biết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với phụ huynh và chính quyền địa phương bảo đảm an toàn cho học sinh trong mùa mưa bão.

“Chúng tôi xây dựng kế hoạch trong trường hợp các em có thể ăn, ở tại chỗ, có một kho gạo dự trữ khi mùa mưa đến có thể xảy ra tắc đường. Những khi mưa lớn, những con suối mà học sinh đi qua rất nguy hiểm, nhà trường phối hợp với học sinh ở từng thôn để đưa đón học sinh, có thể cử thầy cô chở các em về nhà an toàn”, thầy Thường cho hay.

 Những ngày qua, các thầy cô giáo ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam đến từng bản làng, động viên phụ huynh và các em học sinh vượt khó để đến lớp, kịp dự khai giảng năm học mới 2022- 2023. Ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, tại miền núi của tỉnh, nhiều trường học, khu nội trú nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, nguy hiểm rình rập.dù còn nhiều nhiều khó khăn nhưng ngành giáo dục đang tập trung các giải pháp để hướng đến một năm học mới an toàn, đảm bảo các điều kiện tốt cho học sinh miền núi đến lớp.

“Chúng tôi cùng với các huyện miền núi cao khảo sát, đánh giá, sắp xếp lại các trường học, các điểm trường, nơi nào đã đảm bảo rồi thì tập trung nguồn lực để xóa các phòng học tạm, kiên cố hóa các phòng học để phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy và học tập trong năm học 2022- 2023", ông Tường nói./.