Mỗi năm cả nước có tới hơn 7.000 trẻ em bị chết vì tai nạn thương tích (theo số liệu của Cục Bảo vệ & Chăm sóc Trẻ em- Bộ LĐ TB XH). Làm sao để giảm được con số đáng buồn này?  Thời gian gần đây, người ta đã nhận thức và nói nhiều hơn tới việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ em, trong đó có cả kỹ năng thoát hiểm hay xử lý khi tai nạn.  

Giá như hiểu biết…

Khi sự cố xảy ra mà không được xử lý kịp thời, hậu quả có thể sẽ rất nặng nề; trong khi việc xử lý kịp thời ấy lại có thể nằm trong tầm tay.

Ông Lương Văn Chính, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Khương Trung, Q Thanh Xuân, Hà Nội từng kể cho tôi nghe một trường hợp thế này: Hai em học sinh phát cỏ ở vườn trường. Một em sơ ý văng dao trúng bắp chân, đứt động mạch, máu tuôn xối xả. Em học sinh còn lại hốt hoảng la lên gọi cô giáo. Cô giáo trẻ thì chạy đi gọi nhân viên y tế… Không ai biết thực hiện kịp thời cái việc cần làm ngay là băng ga-rô cầm máu cho người bị nạn.

Rồi làm thế nào khi chẳng may bị bỏng nước sôi, làm thế nào khi thấy một người bị điện giật? ... Có phải lúc nào cũng tìm được ngay người đến cứu ?

Hay khi chẳng may xảy ra hoả hoạn, nhiều người có thể chết vì ngạt khói hoặc mất bình tĩnh và chen lấn xô đẩy, không thể tìm đường thoát hiểm. Trong một vụ cháy chung cư cách đây ít lâu, trên báo nói có về 3 anh em nhà nọ thoát được là nhờ áp khăn ướt vào mặt để chống ngạt. Cách làm đó ít nhất cũng kéo dài thời gian tìm đường để họ thoát thân hoặc chờ người đến cứu.

Những điều như vậy, trẻ em sẽ học ở đâu? Thông tin trên sách báo, trên mạng không thiếu; nhưng ai sẽ hướng dẫn các em tìm hiểu và thực hành ? Thậm chí, nói không ngoa, ngay cả người lớn nếu rơi vào những tình huống nguy hiểm cũng chưa có kỹ năng thoát hiểm, hoặc nếu phải sơ cứu một người bị tai nạn cũng không tránh khỏi lúng túng.

Ví như chuyện trẻ con bị hóc dị vật đường thở. Dị vật có thể là thức ăn (ngô, lạc, hạt na, hạt nhãn, hạt hồng xiêm…), hay những vật dụng nhỏ mà trẻ con cầm chơi, cho vào miệng rồi bất ngờ bị rơi xuống đường thở như nút chai, nắp bút bi, ốc vít, đồng xu vv… Đã có không ít trường hợp trẻ bị hóc, gia đình mang đến bệnh viện thì đã tử vong. Bộ não của người không được thiếu ôxy quá 5-7 phút nên trẻ do ngạt mà ngưng thở hơn 5 phút thì đôi khi cứu sống vẫn có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí là sống đời sống thực vật. Tuy nhiên, tai nạn này có thể hoàn toàn tránh được nếu biết cách xử lý ban đầu đúng cách để lấy dị vật ra.  

Học ở đâu ?

Khi nhận thức được tầm quan trọng của việc trẻ học kỹ năng thoát hiểm, các bậc cha mẹ đặt mục tiêu giáo dục cho con mình. Nhưng cho con học cái gì, như thế nào thì nhiều vị phụ huynh không khỏi lúng túng.

Hè này, rất nhiều người cho con đi học bơi với suy nghĩ: Tối thiểu là con phải biết bơi, để tránh tai nạn đuối nước là điều có vẻ dễ xảy ra nhất. Chỉ qua 1 tháng hè, nhiều cháu bé đã bơi thành thạo. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không có quyết tâm cao thì việc cho trẻ học bơi vẫn còn nhiều trở ngại. Số bể bơi không nhiều, các bể bơi hầu như đều chật kín vào những giờ cao điểm, khiến cho trẻ chỉ có thể lội chứ không thể bơi. Tại Hà Nội, phí học bơi vào khoảng 600.000 đ-700.000đ cho một khóa học 10 buổi, dạy đại trà chừng 10-30 em một lớp, thế nên có bé học 2 lớp rồi vẫn chưa biết bơi. Nếu thuê dạy cá nhân cho đến khi trẻ biết bơi thì chi phí khoảng 2 triệu đồng, thời gian không hạn chế. Đó là chưa kể tiền mua vé vào bể bơi, thấp nhất cũng phải 15.000 đồng/buổi (vé trẻ em), còn nếu cao có thể tới 65.000đ -80.000 đ/buổi.

Nếu chỉ học bơi thôi thì cũng chưa đủ. Từ đầu hè, nhiều lớp kỹ năng sống được mở ra tại các trung tâm giáo dục, với chương trình đa dạng được mô tả rất hấp dẫn. Nhưng chi phí hầu hết đều khá cao, trung bình cũng khoảng 4 triệu đồng/10 ngày. Trong thời buổi lạm phát, giá cả tăng, chi dùng hàng ngày đã tốn kém, phần lớn các gia đình có muốn cũng không thể dễ dàng cho con tham gia được.

Các khóa học đó không hẳn là giải pháp tối ưu. Nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh rằng, một khóa học chỉ kéo dài chừng mươi ngày, trong khi để có kỹ năng sống trẻ phải nhận thức, thực hành và luyện tập thường xuyên ở gia đình, nhà trường.

Hiện nay, theo chủ trương chung, tại các địa bàn dân cư, vào dịp hè, các Ban chỉ đạo sinh hoạt hè đều có chương trình bổ ích cho trẻ em bao gồm (ít nhất là): luyện tập văn nghệ, nghi thức diễu hành, thể dục nhịp điệu, kỹ năng sơ cấp cứu, nữ công. Việc tập huấn được làm từ cấp tỉnh, thành, tập huấn cho đại diện của quận, huyện; sau đó cấp quận- huyện lại tổ chức tập huấn cho các nòng cốt ở xã, phường… và triển khai đến từng địa bàn dân cư (hoàn toàn miễn phí).

Chúng tôi đã chứng kiến việc học kiến thức về phòng chống tai nạn và cứu thương mà phường Khương Trung, Q. Thanh Xuân, Hà Nội tổ chức cho các cháu thiếu nhi. Các cháu được dạy cách băng bó, nẹp cố định khi gãy xương và các kiến thức cơ bản về phòng chống tai nạn, sơ cấp cứu khi tai nạn xảy ra... Lớp học được tổ chức ngay từ khi vào hè, do các hội viên Hội Chữ thập đỏ phường truyền dạy. Tài liệu được chuẩn bị rất công phu, kèm hình vẽ minh họa nên rất dễ hiểu. Hoạt động tập huấn và sau đó có hội thi các thao tác cứu thương được tiến hành hàng năm.

bang-co-dinh-1.jpg

Hướng dẫn cách nẹp cố định khi sơ cứu nạn nhân bị gãy xương

Học băng bó

Điều hạn chế là mỗi cụm dân cư có hàng chục thiếu niên nhi đồng thì chỉ có một vài cháu được chọn tham gia và không phải ở đâu các cháu cũng có ý thức tham gia một cách nhiệt tình. Và mặc dù hoạt động được triển khai rộng khắp nhưng cũng có nhiều gia đình chưa biết tới để động viên con em mình tham gia.

Ông Lê Quyết Thắng- Phó Chủ tịch UBND phường, Trưởng Ban chỉ đạo hoạt động hè của phường Khương Trung cho rằng: Để phổ biến rộng rãi các kiến thức cần thiết về cứu thương, phòng chống tai nạn thương tích đến các em nhỏ, phường dự định sẽ tổ chức các buổi tập huấn tại địa bàn cụm dân cư, có mời cả các vị phụ huynh, những người lớn tham dự. Hơn ai hết, họ chính là người gần gũi, dạy dỗ con cái trong gia đình và như vậy việc truyền đạt cho trẻ em những kỹ năng về an toàn, chống tai nạn thương tích sẽ hiệu quả hơn./.