Làng hoa có từ bao giờ không ai còn nhớ rõ, chỉ biết làng hoa Lũng đã có từ hàng trăm năm. Những người trồng hoa theo nếp cha truyền, con nối từ đời này sang đời khác, cứ thế mà tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

vov_lang_hoa_2_jwoc.jpg
Giớ trẻ về làng hoa Lũng - Đằng Hải, Hải Phòng chụp ảnh vào ngày cuối tuần.

Những năm tháng của thời bao cấp khó khăn, làng Lũng nổi tiếng với những cánh đồng hoa Dơn rực rỡ. Đặc biệt là cánh đồng Dơn trắng. Những bông Dơn trắng dài, to, bung cánh dày dặn, trắng muốt đã từng là niềm tự hào của người dân làng Lũng, thôn Đằng Hải. Những cánh hoa tinh khôi ấy không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn được xuất khẩu sang tận Đông Âu, Liên Xô cũ…
Mỗi khi Tết đến xuân về, trong gia đình người Việt thời ấy không thể không có một bình Dơn, trong đó có những bông Dơn trắng nổi tiếng kiêu sa. Những cành Dơn trắng không chỉ được trưng bày trong ngày Tết mà còn được kết làm hoa cô dâu trong ngày cưới như biểu tượng của sự thuần khiết, giản dị, trong trắng của người thiếu nữ…Bông Dơn trắng, được xem như hồn của làng hoa Lũng đã dần bị mai một đi theo thời gian.
Về làng Lũng bây giờ, những cánh đồng hoa ngút tầm mắt không còn nữa, chỉ còn lại những khoanh đất nhỏ xen kẹt trong dân. Người làng Lũng vẫn còn đam mê và tha thiết với nghề trồng hoa, nhưng đô thị hóa đã khiến làng hoa nổi tiếng đang dần dần bị thu hẹp. Giờ đây, để tìm được một cành Dơn trắng ngay tại cái mảnh đất vốn là niềm kiêu hãnh của loài hoa này vô cùng khó.
Ông Bùi Văn Vững, Phó Chủ tịch UBND phường Đằng Hải là người trồng hoa lâu năm cho biết: thời điểm này, Dơn trắng thực sự khó tìm, bởi để trồng được một bông Dơn trắng, người trồng hoa phải rất kỳ công.
“Cây Dơn là cây truyền thống, cây rất kén đất, mất nhiều thời gian chăm sóc đúng quy trình mới đảm bảo được chất lượng hoa tốt. Hiện nay do ảnh hưởng của một số công trình, dự án nên việc tiêu thoát nước phục vụ trồng hoa không đáp ứng được” - Ông Bùi Văn Vững chia sẻ.
Cùng chung niềm tiếc nuối về một loài hoa truyền thống, ông Vũ Văn Thành, người dân trồng hoa ở Đằng Hải nói: “Cây hoa Dơn ở đây mang tính truyền thống. Có thể từ thời xưa, giống của Pháp mang về cách đây 70 năm ở khu vực này không còn nữa do nguồn nước ô nhiễm không thể trồng được. Ở đây, một cánh đồng hoa chỉ còn vỏn vẹn 12 mẫu. Diện tích này đã kiểm kê, nhân dân đã ký phương án đền bù”.
Đối với giới trẻ, giờ đây Lũng là địa điểm chụp ảnh cuối tuần vô cùng tuyệt vời. Nhưng họ cũng bày tỏ niềm tiếc nuối nếu cánh đồng hoa Đằng Hải sẽ dần mất đi, thay vào đó là đường xá, nhà cửa.

 
Người Lũng vẫn đau đáu với nghề trồng hoa, những mảnh đất còn sót lại trong vườn, hay từng sào đất nông nghiệp cũng được tận dụng để trồng những loài hoa như Hồng, Cúc, Dơn, Lưu Ly, Violet…Những cánh hoa Lũng nổi tiếng to, dày, màu sắc rực rỡ luôn được người dân ở thành phố Cảng ưa chuộng. Những năm gần đây, không còn đất, nhưng vì lòng say mê với nghề mà nhiều người trồng hoa lâu năm đã sang các huyện lân cận như An Dương, Thủy Nguyên…để gây dựng, nhân giống.
Tuy nhiên, trời phú cho Lũng có một chất đất phù hợp, nên mặc dù người Đằng Hải có mang tâm huyết, kinh nghiệm của mình đi đến tận nơi đâu thì hoa Lũng cũng không thể nào thay thế được.
Một chút bùi ngùi xen lẫn luyến tiếc, người Lũng vẫn đam mê với hoa, vẫn đau đáu tìm về những giá trị cũ như những bông Dơn trắng ngày xưa. Đó là niềm nhớ nhung, tự hào, pha chút hoài niệm trong mỗi khi Tết đến xuân về. Người Lũng cũng ao ước những cành Dơn trắng lộng lẫy sẽ hồi sinh trên mảnh đất quê hương mình./.