Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn tỉnh Quảng Bình đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố gồm Quảng Trạch, Ba Đồn, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Gần 500 hộ dân nằm trong diện ảnh hưởng cần bố trí tái định cư. Hiện tại, các địa phương có dự án đi qua đang khẩn trương rà soát để phục vụ công tác hỗ trợ đền bù và tái định cư. Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình có 6 xã nằm trong khu vực dự án đi qua, trong đó 3 xã là Quảng Hải, Quảng Lộc, Quảng Sơn có hơn 30 hộ cần tái định cư.

Bà Mai Thị Thu Trang, ở xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Qua tìm hiểu về thông tin đại chúng trên truyền hình, trên báo chí thì bản thân tôi biết là sắp tới sẽ có đường cao tốc sẽ đi qua. Tôi cũng mong muốn là có đường cao tốc sớm xây dựng và hoàn thiện, triển khai cho đúng tiến độ và người dân cũng như tôi ủng hộ nhiệt tình để cho dự án sớm hoàn thành”.

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng đi qua một số công trình như: trụ sở xã, trạm y tế, trường học, sân vận động… trên địa bàn thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Ông Đặng Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn cho biết, địa phương đang thống kê đầy đủ, chính xác về các hộ cần tái định cư và báo cáo lên cấp trên xem xét về các công trình bị ảnh hưởng, cần bố trí địa điểm xây dựng mới, trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp và đồng thuận.

“Xã cũng đã triển khai cho cán bộ địa chính, mặt trận và các tổ chức đoàn thể phối hợp với cấp ủy, mặt trận đoàn thể thôn vừa tuyên truyền vận động, vừa quản lý tốt đất đai và tài sản trên đất để tránh trường hợp sau này liên quan đến giải phóng mặt bằng”, ông Đặng Văn Luận nói.

Qua công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình, hiện đa số người dân trên địa bàn đều đồng thuận, các hành vi cố ý xây dựng, cơi nới công trình để chờ đền bù ít xảy ra. Về công tác tái định cư, trên cơ sở điều kiện của từng địa phương và ý kiến nhân dân, huyện chỉ đạo các xã khảo sát, lựa chọn địa điểm và xác định phương án phù hợp.

Ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cho biết, quan điểm của địa phương là các khu vực tái định cư phải có điều kiện bằng hoặc tốt hơn vị trí hiện tại, đáp ứng nguyện vọng của bà con tại nơi ở mới.

“Để đảm bảo tiến độ Dự án, chúng tôi đã yêu cầu các phòng, ban có liên quan, cấp ủy, chính quyền các xã, phường kịp thời vào cuộc, tập trung tuyên truyền vận động người dân cấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, về giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao đúng tiến độ mặt bằng cho đơn vị thi công, đảm bảo đúng tiến độ Chính phủ đề ra và đảm bảo đúng các kế hoạch Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo”, Ông Đoàn Minh Thọ nhấn mạnh.

Hiện nay, tiến độ bàn giao tuyến và mốc giải phóng mặt bằng cho các địa phương chậm là một trong những nguyên nhân khiến cho việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn có dự án đi qua gặp nhiều khó khăn. Một số hộ dân tự cơi nới các công trình để chờ đền bù.

Theo ông Nguyễn Huệ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, trước ngày 20/11/2022, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án phải được hoàn thành 70% và bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải để triển khai thi công. Sở đề nghị UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Ban Quản lý các dự án đường cao tốc hoàn thiện các hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương đo đạc, kiểm đếm phục vụ cho bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

“Về vấn đề tái định cư, có 2 vấn đề đó là tái định cư tập trung và tái định cư không tập trung. Hầu hết qua nắm bắt tình hình, chúng tôi thấy người dân ở tại các khu vực cao tốc đi qua đều mong muốn tái định cư tập trung. Các dự án cao tốc đề xuất diện tích tái định cư tập trung từ 60- 120m2 là quá nhỏ, vì vậy trong quá trình này Sở đề nghị tỉnh chỉ đạo thêm, nâng mức tối thiểu diện tích là 200-300m2 cho mỗi hộ tái định cư”, ông Nguyễn Huệ cho biết./.