Hiện Thành phố đang khẩn trương rà soát lập danh sách trường hợp cư trú trên địa bàn có khó khăn do COVID-19 để tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lần 3. Đây là thông tin được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đưa ra tại cuộc họp báo cung cấp thông tin của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM diễn ra chiều nay (13/9). 

Sắp thêm gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng

Để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài trong đợt dịch bùng phát lần này, TP.HCM đã đóng cửa và tạm dừng nhiều hoạt động kinh tế. Do đó đã dẫn tới cuộc sống của nhiều người dân gặp khó khăn. TP.HCM đã thực hiện nhiều gói hỗ trợ an sinh xã hội nhưng số lượng phát sinh lên nhiều. Chính vì vậy, Thành phố đang tính toán gói mới, đồng thời khẩn trương rà soát, lập danh sách những trường hợp đang cư trú trên địa bàn khó khăn do COVID-19 để tiếp tục hỗ trợ.

TP.HCM đã cấp đợt 1 với số lượng hơn 14.000 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ cấp xuống các xã, phường, thị trấn cùng túi an sinh đến bà con. Thành phố đã chi 6.500 tỷ đồng cho các gói hỗ trợ 1, 2. Dự kiến Thành phố sẽ chi 10.000 tỷ đồng cho gói hỗ trợ thứ 3 trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: "Chúng tôi biết bà con đang rất khó khăn, cần được hỗ trợ như nhau và sự công bằng. Tuy nhiên, trong quá trình lập danh sách không thể nào đủ được. Chúng tôi sẽ tổng hợp những danh sách thiếu đó vào trong gói thứ 3 này. Khoản hỗ trợ này cũng không nhiều nhưng nó cũng là nỗ lực của thành phố và bà con cùng chia sẻ với khó khăn của thành phố trong điều kiện dịch bệnh để cùng với thành phố thực hiện giãn cách, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tốt trong thời gian sắp tới".

Số lượng F0 nằm ngoài dự đoán

Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, tại cuộc họp báo, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong thời gian bùng phát dịch, số lượng F0 rất lớn nằm ngoài dự đoán của ngành y tế. Chính vì vậy nhiều trường hợp chưa tiếp cận được y tế để làm xét nghiệm theo quy định. Vừa qua, TP.HCM thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà và bước đầu đã đạt những hiệu quả rất tích cực. Các F0 này đều được cung ứng thuốc, hỗ trợ y tế khi cần thiết.

Vừa qua xuất hiện trường hợp người dân tự làm xét nghiệm, khi phát hiện dương tính thì tự cách ly ở nhà và chưa được cơ quan y tế xác nhận để đưa vào quản lý. Đây là trường hợp ngoài dự kiến. Bởi vậy, Sở Y tế đang tham mưu cho thành phố xử lý theo hướng là bệnh nhân nào được Tổ COVID-19 cộng đồng hay cơ quan y tế xác nhận mắc COVID-19 thì trường hợp đó có thể cung cấp giấy xác nhận khỏi bệnh.

Trong công tác phòng chống dịch sắp tới, TP.HCM có chủ trương dùng “thẻ xanh COVID-19” để kiểm soát các thành phần dân cư trong quá trình mở cửa, phục hồi kinh tế.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định rằng “thẻ xanh COVID-19” không thể thay thế cho 5K và xét nghiệm: "Chúng ta tránh hiểu lầm có thẻ xanh rồi thì không cần xét nghiệm nữa. Bởi vì chúng ta có kháng thể rồi, tiêm vaccine rồi thì bảo vệ cho cá nhân thôi. Có thể chúng ta vẫn mang virus trong người, có thể không mắc bệnh hoặc mắc và không nặng nhưng chúng ta hoàn toàn có thể lây bệnh cho gia đình, cho cộng đồng. Do đó thẻ xanh phải cộng với 5K, cộng với xét nghiệm theo đúng quy định của Bộ Y tế)

Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cũng chia sẻ, “thẻ xanh COVID-19” là một trong những biện pháp để giám sát an toàn trong thời gian tới. Đây là ứng dụng phát sinh dựa trên các thông số trên hệ thống cơ sở dữ liệu và có tiêu chí của ngành y tế như tiêm vaccine, xét nghiệm kháng thể…

Về việc đang có quá nhiều ứng dụng gây khó khăn cho người dân, ông Lâm Đình Thắng cho biết, sắp tới cả nước đã có quan điểm thống nhất là gom chung một ứng dụng để thuận tiện hơn cho người dân, tích hợp dữ liệu tiêm vaccine, xét nghiệm, cấp mã QR phương tiện vận tải… Thành phố đang báo cáo Trung ương xin chủ động triển khai giải pháp của Thành phố và khi Trung ương quyết định thì Thành phố sẽ thí điểm tại huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và Quận 7 để làm cơ sở triển khai nhân rộng…/.