Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần giúp các địa bàn vùng miền núi, hải đảo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, thoát nghèo bền vững nhất là trong giai đoạn dịch Covid -19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống.

Sau khi hoàn thành xong đề án 196, Quảng Ninh đã đưa 12 xã, 18 thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Hiện nay, Quảng Ninh có 56 xã thuộc khu vực I, không còn xã thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Đây là nỗ lực rất lớn của Quảng Ninh trong quá trình dài, phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Khi thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, một số chế độ an sinh xã hội nhất là BHYT sẽ không được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Chị Hoàng Thị Kim Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Đầm Hà cho biết: “Đây cũng là khó khăn đối với người dân và tâm tư của người dân mong muốn được hỗ trợ thêm về việc đóng BHYT. Về phía chính quyền thì chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền cho bà con hiểu rằng sau giai đoạn nhà nước hỗ trợ, người dân sẽ phải tự nguyện mua BHYT để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho gia đình”.

Xác định rõ khu vực này cần tiếp tục được đầu tư lớn để thoát nghèo bền vững, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết 06 phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bao dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo nghị quyết này, 35 xã của 9/13 huyện, thị xã thành phố sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí để tiếp tục mua BHYT cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã, thôn mới ra khỏi vùng khó khăn đến hết 31/12/2025.

Ông Lê Đình Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh cho biết phấn đấu đầu tháng 9, toàn bộ 68.000 người dân trong đó có khoảng 14.000 học sinh tại vùng vừa thoát khỏi diện ĐBKK sẽ nhận được BHYT.

“Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành chính sách hỗ trợ BHYT cho người dân, người đồng bào dân tộc ở vùng vừa thoát khỏi diện ĐBKK cho đến năm 2025. Đây là chính sách ưu việt thể hiện quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh là phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo an sinh xã hội. BHXH tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế và Tài chính của tỉnh để hướng dẫn việc thực hiện chính sách hỗ trợ BHYT đến tận tay người dân”, ông Tuấn cho hay./.