Thanh tra toàn diện nợ xây dựng cơ bản
Trả lời về xử lý nợ XDCB, ông Ngô Văn Quý - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, nợ ngoài kế hoạch hiện có 3 huyện là Đan Phượng (39 dự án, nợ 69,9 tỷ đồng), Phúc Thọ (9 dự án, nợ 19,3 tỷ đồng), Mỹ Đức (1 dự án, nợ 2,4 đồng). Về quan điểm xử lý nợ ngoài kế hoạch, hiện thành phố đang giao Thanh tra Thành phố thanh tra toàn diện việc nợ đọng XDCB, trong đó có nợ ngoài kế hoạch (về mức độ vi phạm kỷ luật ngân sách, Luật đấu thầu và các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ bản). Thành phố sẽ có biện pháp xử lý sau khi có kết luận của thanh tra.
Về bố trí nguồn giải quyết nợ XDCB, năm 2014, trong dự toán thu chi đã bố trí giải quyết 1.927 tỷ đồng, đạt 59% số nợ. Trong đó, ngân sách thành phố bố trí 616 tỷ, đạt 65%, ngân sách quận, huyện bố trí 795,2 tỷ đạt 62%, xã bố trí 219 tỷ đồng, đạt 39,5%. Số nợ còn lại sẽ được tạo từ các nguồn của các dự án quy mô nhỏ đang tiến hành quyết toán công trình, trong đó chú trọng bố trí vốn giải quyết nợ cho những công trình chuyển tiếp, hoàn thành…. Đối với các quận, huyện chưa bố trí đủ vốn nợ XDCB, thành phố yêu cầu chấn chỉnh rà soát lại, điều chỉnh dự toán để bố trí đủ. Về tiến độ giải ngân, toàn thành phố đã giải ngân được 54%.
Đề tài khoa học tiền tỷ đắp chiếu
Kỳ họp này cũng tiến hành chất vấn vềhiệu quả đầu tư kinh phí vào lĩnh vực Khoa học –Công nghệ. Đặc biệt lànguyên nhân và trách nhiệm tàu nạo vét bùn thuộc đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của thành phố Hà Nội” đã bàn giao 4 năm song vẫn chưa đưa vào vận hành, sử dụng chính thức.
Máy hút bùn không hoạt động do thủ tục nhiêu khê
Nội dung này, Giám đốc Sở KH-CN Lê Xuân Rao cho biết, kinh phí đầu tư vào lĩnh vực KH-CN từ đầu nhiệm kỳ đến nay là hơn 300 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay, đã có gần 100 đề tài, dự án được đưa vào sử dụng; hỗ trợ hơn 570 xã, phường được cấp chứng nhận ISO; hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, tập thể và chỉ dẫn địa lý cho 24 sản phẩm đặc sản của các làng nghề truyền thống và các sản phẩm cây, con đặc sản; tham mưu Thành phố ban hành 17 văn bản cơ chế, chính sách, mang lại hiệu quả trong quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động KH-CN… “Tuy nhiên, đầu tư kinh phí vào đề tài khoa học cũng là lĩnh vực có rủi ro cao…”, ông Rao nói.
Về việc sản phẩm tầu nạo vét bùn thuộc đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của thành phố Hà Nội” đã bàn giao 4 năm song vẫn chưa đưa vào vận hành, sử dụng chính thức, ông Lê Xuân Rao cho biết, nguyên nhân chính là do chưa xây dựng định mức, đơn giá cho sản phẩm.
Để xử lý tồn tại này, UBND Thành phố đã có cuộc họp với các sở, ban, ngành liên quan và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Ngày 28/6/2014, tàu đã được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, để có cơ sở xác định định mức, phải đưa tàu vào chạy ổn định trong thời hạn 1 tháng. Dự kiến trong tháng này Thành phố sẽ hoàn thành việc xác định định mức làm cơ sở đưa tàu vào khai thác, sử dụng.
Mặc dù được đầu tư kinh phí hơn 3 tỷ đồng để nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của Thành phố và lập phương án vận hành và đưa vào sử dụng tầu hút bùn khí nén, tuy nhiên kể từ khi đưa vào sử dụng từ 2010 cho đến nay, thiết bị này lại nằm “đắp chiếu” chờ hoen gỉ.
Năm 2009, theo đề nghị khảo nghiệm của Viện nghiên cứu cơ khí - Bộ Công Thương cho sản phẩm “tầu nạo vét bùn” của đề tài khoa học công nghệ với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cùng với Viện nghiên cứu cơ khí bố trí nhân lực, thiết bị cơ giới để thực hiện khảo nghiệm công nghệ của tầu hút bùn với thời gian khoảng 2 tháng trên sông Tô Lịch.
Theo những văn bản của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và Viện nghiên cứu cơ khí, nguyên nhân để thiết bị đầu tư hàng tỷ đồng để rồi “đắp chiếu” gần 4 năm nay là do chưa có vốn dự toán vận hành?
Qua giám sát năm 2012, 2013, các ban của HĐND Thành phố đã đề xuất nhiều giải pháp để khắc phục những bất cập trong công tác nghiên cứu KH-CN của Thành phố, đặc biệt là việc chậm đưa tàu hút bùn vào sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai có hiệu quả.
Giám đốc Sở KH-CN Lê Xuân Rục cho biết, tàu hút bùn vẫn đang hoạt động tốt, không mất nhiều kinh phí để khắc phục duy tu và đang được chạy thử để đánh giá định mức. Dự kiến hết tháng 8 sẽ xong các khâu định giá, đánh giá định mức để chính thức đưa vào sử dụng.
Vỡ đường ống sông Đà, chất lượng kém, thiếu giám sát thi công
Liên quan đến đường ống nước sông Đà liên tục vỡ ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Câu hỏi đặt ra là ai chịu trách nhiệm về chất lượng thi công cũng như chất lượng của tuyến ống này? Tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngày 10/7, thêm một lần nữa đường ống nước sạch sông Đà bị vỡ. 5 năm qua, từ khi đưa vào sử dụng, đây là lần thứ 8 đường ống này bị vỡ. Thành phố đã chỉ đạo tập trung lực lượng khắc phục sự cố vỡ này và chắc chắn 23 giờ 10/7 sẽ cấp nước trở lại.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đường ống nước sạch sông Đà là do Vinaconex làm chủ đầu tư, với công suất 300.000m3/ngày-đêm. Nguyên nhân vỡ đường ống qua đánh giá sơ bộ ban đầu là dùng vật liệu chưa phù hợp, thiếu khảo sát, giám sát trong quá trình thi công. Trách nhiệm này thuộc về Vinaconex. UBND TP Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp, trong đó khắc phục xử lý nhanh sự cố trong 24 tiếng; đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị cung cấp nước trên địa bàn thành phố phải có biện pháp bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân trong đó tăng áp lực vận hành đường ống, đồng thời dùng xe chở nước cho nhân dân. Ông Hùng đề nghị, rất mong nhân dân chia sẻ và sử dụng nước tiết kiệm.
“UBND thành phố đang khẩn trương chuẩn bị xây dựng đường ống dẫn nước số 2 từ Hòa Lạc về đường vành đai 3. Đối với dự án này, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực, thành phố sẽ tập trung huy động mọi nguồn vốn cho dự án. Dự kiến có thể hoàn thành dự án vào giữa năm 2015. Trước mắt, đầu tư thay thế 10km đường đoạn tuyến hay xảy ra vỡ để đảm bảo nước cho người dân trong dịp Tết năm nay” - ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
“Thành phố đang chỉ đạo nhà máy nước Sơn Tây tăng thêm công suất 10.000m3/ngày-đêm; nhà máy nước sạch sông Đà nâng lên thành 600.000m3/ngày-đêm, để đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân, trong đó có cả khu vực ngoại thành; giao cho Công ty nước sạch Hà Nội xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng trong điều kiện nguồn nước ngầm đang dần cạn kiệt” - ông Hùng cho biết thêm./.