Trước việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 và các tàu bảo vệ xâm phạm nghiêm trọng vùng biển Hoàng Sa, trực thuộc Uỷ ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam trong những ngày qua, đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Hành động này còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận có liên quan giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, Trung Quốc đang cụ thể hóa các bước đi để kiểm soát nguồn tài nguyên chiến lược trong khu vực tranh chấp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ khoa học (TSKH) Lương Văn Kế, Chuyên gia phân tích địa chính trị, Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Giàn khoan HD -981 của Trung Quốc |
PV: Trong những ngày qua, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng biển của Việt Nam và điều 80 tàu, trong đó có 7 tàu quân sự cùng nhiều tàu hải giám, hải cảnh, tàu cá… chủ động đâm thẳng vào tàu Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ gây bất ổn trong khu vực. Ông có bình luận như thế nào về vấn đề này?
Rõ ràng, đây là việc làm hết sức nghiêm trọng và là bước đi nguy hiểm của Trung Quốc. Trong phân tích địa chính trị, chúng thôi thấy rằng sẽ có một loạt các phương thức Trung Quốc sẽ áp dụng. Trong đó, Trung Quốc đầu tiên sử dụng các công ty dân sự với danh nghĩa của các công ty khai thác dầu khí hoặc là đánh bắt hải sản, các đơn vị điều tra khảo sát đáy biển và Trung Quốc gọi là không sử dụng vũ lực hay gọi là phát triển hòa bình theo kiểu của Trung Quốc.
Nhưng trên thực tế, Trung Quốc làm cho các nước bị xâm phạm thực tế như Việt Nam chẳng hạn không có khả năng dùng các biện pháp vũ lực chống lại các hành vi đội lốt dân sự của Trung Quốc- một âm mưu cực kỳ nguy hiểm. Tôi nghĩ, chúng ta cần phải tố cáo toàn bộ hành vi này đến công luận quốc tế cũng như nhân dân Việt Nam hiểu được toàn bộ tính chất nghiêm trọng, mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc và ở đây không có sự nhân nhượng nào cả.
PV:Vậy theo ông, sự kiện này có tác động như thế nào đến tình hình an ninh của Việt Nam cũng như của khu vực?
TSKHLương Văn Kế:Hành động của Trung Quốc đã phá vỡ mọi cam kết, một loạt thỏa thuận ở cấp lãnh đạo cao cấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Rõ ràng là Trung Quốc đã vi phạm một cách trắng trợn đến toàn bộ thỏa thuận trong quan hệ song phương. Hành động của Trung Quốc tạo ra bất ổn cực lớn và nó không chỉ dừng lại ở bản thân khu vực của các quốc gia ở ven Biển Đông mà nó kéo theo sự can dự của tất cả các cường quốc khác có lợi ích xung quanh. Đặc biệt là vấn đề tự do hàng hải cũng như vấn đề an ninh chung của khu vực khi mà các cường quốc đang có nhiều điều chỉnh chiến lược về trật tự an ninh chính trị của mình.
Tôi nghĩ rằng, hành động của Trung Quốc sẽ tác động đến toàn bộ an ninh toàn cầu, thậm chí trong một chừng mực nào đó nó sẽ tạo ra những cuộc khủng hoảng không chỉ về chính trị mà còn trở thành một cuộc đại khủng hoảng của kinh tế thế giới, khi mà toàn bộ trung tâm cư dân, trung tâm địa lý học hay trung tâm về dân số của thế giới đang tập trung ở châu Á- Thái Bình Dương. Vì thế, có thể nói rằng, đây là hành vi đã phá vỡ toàn bộ trật tự, một hiện trạng đã tương đối lắng dịu trong một vài năm trở lại đây.
PV: Đến thời điểm này chúng ta đã tuyên bố "sử dụng mọi biện pháp" để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình.Vậy theo ông,thời gian tới các cơ quan thông tấn báo chí trong nước cần mở rộng đấu tranh như thế nào để tạo dư luận rộng rãi hơn nữa đối với việc làm phi pháp này của Trung Quốc ở cả trong nước và quốc tế?
TSKHLương Văn Kế: Chúng ta nên kết hợp các hoạt động có tổ chức từ phía các cơ quan đoàn thể của Nhà nước, có sự hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện cho thanh niên và người dân có hình thức đấu tranh phù hợp, lên tiếng phản đối hành động sai trái của Trung Quốc. Vì sức mạnh ngoại giao của chúng ta trong quá trình thương thảo với Trung Quốc phải dựa trên sức mạnh của cả dân tộc, sự đoàn kết của toàn dân, tạo điều kiện cho nhân dân thể hiện rõ ý chí của mình. Bên cạnh đó, nhiệm vụ tuyên truyền hiện nay không phải nhằm vào trong nước mà phải hướng tới cộng đồng quốc tế, góp phần tác động đến đường lối, chính sách và sự quan tâm của các cường quốc liên quan ở khu vực như: Ấn Độ, Nhật Bản, khối ASEAN, Mỹ, Nga và một số quốc gia khác nhằm kêu gọi được sự đồng thuận, hỗ trợ và tiếng nói chính trị của các nước trên thế giới./.
PV:Vâng, xin cảm ơn ông!./.