Kho đông lạnh Phước Sang của bà Hoàng Thị Hương, ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những kho đông lạnh lớn nhất tỉnh Quảng Bình hiện tồn đọng hàng trăm tấn cá kể từ ngày xảy ra sự cố môi trường biển. Nhiều hợp đồng với nước ngoài lần lượt bị hủy.

vov_ca_1_yrxq.jpg
Các cơ sở đông lạnh phải trả hàng trăm triệu đồng tiền điện để bảo quản cá.

Hơn 400 tấn cá tồn kho, riêng tiền điện, mỗi tháng cơ sở này phải trả trên 200 triệu đồng. Đó là chưa kể số tiền gần 400 triệu đồng bà Hương phải thanh toán cho gần 100 lao động làm việc thường xuyên tại đây.

“Hàng của chúng tôi đã được công nhận sạch, nhưng không ai tiêu thụ cho chúng tôi, chúng tôi cảm thấy rất hoang mang vì mỗi ngày nợ tiền ngân hàng quá nhiều”.

Kho đông lạnh An Bình của bà Nguyễn Thị Nê, xã Thanh Khê, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hơn 5 tháng nay, cá nhập về đầy kho nhưng không tiêu thụ được.

Bà Nguyễn Thị Nê lo lắng: “Khi nghe tin Formosa thì chúng tôi đang cảm thấy rất lo sợ. Nó như một cơn bão ập đến nghề nghiệp của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi người đi buôn cũng như người đi làm, thời điểm không có ai mua hàng hết mà dân vẫn cứ đi làm”.

Hàng nghìn tấn cá tồn đọng sau khi được các thương lái thu mùa về không xuất bán được.

Theo tính toán sơ bộ, lượng cá còn ứ trong các kho cấp đông ở tỉnh Quảng Bình khoảng 2000 tấn, trong đó riêng huyện Bố Trạch là 1000 tấn. Chưa bao giờ những người kinh doanh hải sản rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Cẩm Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tại thời điểm này, lượng hàng tồn trong kho quá nhiều nên việc  mua hải sản của ngư dân vừa đánh bắt về cũng rất hạn chế: “Thời điểm này do hàng tồn đọng nên nguồn lực của họ cũng đã cạn dần. Đề nghị Chính phủ phải đưa vào danh mục hỗ trợ cho những chủ cơ sở tạm trữ này để họ có nguồn lực để tiếp tục thu mua hải sản cho ngư dân”./.