Do đó những chính sách ưu tiên của Nhà nước dành cho họ, đã bị những người mạo danh khác chiếm đoạt trong suốt những năm qua.
Ở tổ dân phố 5, thị trấn Plei Kần, hầu như ai cũng biết hoàn cảnh của gia đình ông Nguyễn Hoài Sử và bà Trần Thị Hạng. Gia đình 5 người, nhưng mọi chi tiêu chỉ trông chờ vào những đồng tiền do ông Sử chạy xe ôm.
Ông Nguyễn Hoài Sử (áo nâu) trao đổi với phóng viên |
Đã thế, gia đình lại phải hàng tháng trả lãi cho khoản nợ 44 triệu đồng vay cho cô con đầu đi học. Cô thứ hai bị bệnh tật bẩm sinh với trái tim nằm bên ngực phải, nhưng gia đình không có tiền đưa đi khám. Cái đói, cái nghèo ở gia đình này hiện rõ từng ngày. Ngôi nhà của họ luôn ẩm thấp, vá chằng vá đụp bằng đủ thứ vật liệu. Thế nhưng, chỉ mới đây thôi vợ chồng ông Sử, bà Hạng mới biết… mình nghèo.
“Hai vợ chồng ở nhà thì có người tới gọi mình là chị ơi chị lên nhà ông Định kia chị coi thử có phải cái tên của chị và chữ ký của chị là người hộ nghèo không? Thì mình nghe như vậy mình cũng bất ngờ. Rồi đi lên trên đó rồi mình xác nhận là đúng là cái tên của mình. Mà tôi thấy chữ ký là hoàn toàn không đúng đâu. Nhà tôi cũng chả hưởng cái gì đâu sao hôm nay lại kêu lên được hộ nghèo”, bà Hạng kể.
Cùng với ông Sử, bà Hạng, có tới 17 hộ dân khác ở tổ dân phố 5, suốt 3 năm qua cũng không hề biết mình thuộc diện hộ nghèo. Còn số hộ thuộc diện nghèo nhưng không được cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế ở tổ dân phố này lên tới gần 50 hộ.
Nhiều người khác ở tổ dân phố 5, thị trấn Plei Kần cùng tố cáo sự không minh bạch trong bình xét hộ nghèo tại địa phương |
Trước những nghi vấn về khuất tất trong việc bình xét và chi trả chế độ cho hộ nghèo tại địa phương, ông Phan Văn Chanh, Trưởng nhóm 11, tổ dân phố 5, cho biết: “Tôi có lên gặp Bí thư Chi bộ và bên mặt trận tôi chất vấn tại sao bình xét hộ nghèo xóm tôi có 4 hộ nghèo, tại sao bây giờ là 7? Ở đâu ra 3 các ông đưa vào. Ông Tinh, bí thư Chi bộ trả lời cho tôi là cái này tôi không biết. Tôi chạy sang ông Trung bên Mặt trận tôi hỏi thì ông Trung có trả lời 1 trường hợp là xét kín, nghĩa là xét nội bộ còn mấy trường hợp kia ông không biết”.
Do công tác bình xét hộ nghèo ở đây không minh bạch, dẫn tới sự nhập nhèm trong việc chi trả chế độ. Từ năm 2011 đến nay, hàng chục triệu đồng hỗ trợ tiền điện hàng tháng cho hộ nghèo vẫn chưa tới người dân. Thiệt thòi nhất là các hộ này không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc khám chữa bệnh và học hành của con cái.
Chị Lê Thị Luyến có chồng là Nguyễn Văn Thể bị tai nạn phải đưa ra bệnh viện 108 mổ não, chua xót nói: “Hai năm qua mà gia đình tôi có cái thẻ bảo hiểm y tế đó thì tôi đỡ vất vả, khó khăn. Không được hưởng quyền lợi đó thì mất rất nhiều mà hoàn cảnh hai vợ chồng mới lấy nhau không có tiền”.
Từ những thắc mắc của người dân phản ánh, chúng tôi gặp và hỏi trực tiếp tổ trưởng tổ dân phố 5 - ông Nguyễn Thế Huệ, thì ông khẳng định: “Tất cả điều này chỉ là vu khống”. Theo ông, “Cái sai là sai dây chuyền. Sai từ thị trấn đến chi bộ, mặt trận, không thể đổ cho một mình tổ dân phố”.
Ông Nguyễn Thế Huệ phân trần |
Về phía chính quyền thị trấn Plei Kần, ông Nguyễn Đức Xuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn cho biết: “Quan điểm của Ủy ban nhân dân thị trấn cũng như Ban thường vụ Đảng ủy thị trấn là chuyển cơ quan điều tra, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ dân phố”.
Trong khi chờ kết quả của cơ quan chức năng về vụ việc này, những hộ dân nghèo ở tổ dân phố 5, thị trấn Plei Kần bày tỏ mong muốn các chế độ, chính sách dành cho họ sẽ sớm được thực hiện. Còn cán bộ, đảng viên ở huyện Ngọc Hồi và tỉnh Kon Tum khi nghe dư luận về vụ việc này thì đặt câu hỏi: Vì sao trong suốt 3 năm, một sự việc như thế lại có thể tồn tại ở ngay tổ dân phố gần trung tâm thị trấn mà chính quyền và các đoàn thể không hề hay biết?./.