Vừa chào đời, cháu Phạm Thành Nam ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đã được các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi nặng và bị bướu ở quai hàm. Ban đầu, khối bướu chỉ nhỏ bằng hạt đậu nhưng sau đó phát triển rất nhanh, to bằng ngón chân cái của cháu và sau đó rất nhanh, chiếm gần hết khuôn mặt của cháu bé.

tre_buou_pbdf.jpg
Trẻ bị bướu khổng lồ đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Kết quả chụp phim, chụp CT tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, khối bướu trên cơ thể cháu là bướu tân dịch. Bướu khá lớn chiếm hết vùng góc hàm, lan xuống lưỡi và đã bị xuất huyết. Khối bướu đã chèn ép và đẩy lưỡi bé ra ngoài nên cháu bé không thể bú được. 

Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận một cháu bé khác, 2 tháng tuổi ở tỉnh Cà Mau. Cháu bé này cũng bị bướu tân dịch ở mặt với đường kính đến 7cm. Do bị từ trong bào thai nên các bác sĩ cũng chưa tìm ra nguyên nhân vì sao trong thai kỳ người mẹ bị như vậy. Điều nguy hiểm nhất là nếu kéo dài thời gian, bướu phát triển lớn quá sẽ chèn vào đường thở và bệnh nhi có thể tử vong bất kỳ lúc nào

Theo các bác sĩ, khối bướu ở 2 bé được tạo nên từ những nang nhỏ khá phức tạp và có sự xâm lấn vào các mô, dây thần kinh. Đặc biệt, khối bướu còn bao quanh dây thần kinh số 7. Nếu phẫu thuật bóc tách, dây thần kinh này sẽ bị đứt, gây tình trạng liệt mặt cho bệnh nhi. 

Bác sĩ  Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, các bác sĩ sẽ thực hiện một phương pháp điều trị khác không cần phải phẫu thuật khối bướu:  “Bác sĩ siêu âm sẽ định vị nơi chứa nhiều dịch nhất. Sau khi hút tất cả các dịch trong bướu ra thì tiêm một chất vào làm xơ hóa các mô bướu. Từ đó không cho các bướu tái phát trở lại”.

Bướu tân dịch còn có tên gọi khác như u nang bạch mạch, u nang bạch huyết. Trong khối bướu chứa nhiều dịch màu vàng chanh. Bướu có thể có nguyên nhân bẩm sinh hay mắc phải do nhiễm trùng. Bướu có thể xảy ra ở bất kì vị trí nào trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là ở vùng cổ và mặt./.