Họ là hai nhân vật chính trong chương trình giao lưu - nghệ thuật "Nhà báo - Sự kiện và Nhân chứng" do báo Nhà báo và Công luận, Công ty Truyền thông Thủ đô và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tổ chức tối qua (18/6), tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 84 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Vũ Hồ |
Đại tá - Nhà báo Vũ Hồ (nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân) năm nay 83 tuổi kể về kỷ niệm viết bài báo "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" viết về Anh hùng Nguyễn Viết Xuân: "Trước đó, máy bay Mỹ chưa rơi nhiều, nhưng từ khi Nguyễn Viết Xuân có khẩu lệnh đặc biệt, khi máy bay Mỹ bổ nhào xuống thì anh ấy hô: "Mỹ không có gì đáng sợ, học tập Nguyễn Văn Trỗi, nhằm thẳng quân thù mà bắn". Khẩu lệnh ấy đã động viên bộ đội và dân quân ta bắn rơi nhiều máy bay địch. Trong một trận đánh, khi đang chỉ huy thì Nguyễn Viết Xuân bị trúng đạn của địch. Dù vết thương rất nặng ở chân nhưng chính trị viên Nguyễn Viết Xuân vẫn tiếp tục chỉ huy chiến đấu, bắn rơi một máy bay. Khẩu lệnh "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" thể hiện sự dũng cảm, thông minh, dũng cảm tới mức cảm tử".
Nhờ những tư liệu của ông Lê Bá Suý - cán bộ tuyên huấn Quân khu 4, nhà báo Vũ Hồ đã viết về tấm gương Anh hùng Nguyễn Viết Xuân với một niềm cảm phục vô bờ. Bài báo về tấm gương của anh hùng Nguyễn Viết Xuân ngay sau đó tạo ra phong trào học tập Nguyễn Viết Xuân sôi nổi trong toàn quân. Ngay trong đơn vị Nguyễn Viết Xuân, 5 tháng sau có chiến sĩ Đậu Văn Vĩnh cũng hy sinh dũng cảm như Anh hùng Nguyễn Viết Xuân. Cánh tay bị đứt lìa, rơi xuống mâm pháo, dù trông thấy tay của mình rơi nhưng anh vẫn kiên cường cùng đồng đội bắn rơi 9 máy bay địch. Bộ đội các chiến trường đều học tập Nguyễn Viết Xuân để hình thành một cách đánh mới, một kiểu đánh mới. "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" đã trở thành tư tưởng tác chiến của bộ đội phòng không.
Trong cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Vũ Hồ không nhớ đã viết bao nhiêu gương người tốt, việc tốt. Ông nói: "Cái thời "ra ngõ gặp anh hùng" ấy là điều kiện thuận lợi để viết gương người tốt, việc tốt. Thậm chí viết không kịp nữa. Tôi đã viết về những chiến sĩ hải quân, các phi công cảm tử, về những vị tướng như tướng Hoàng Cầm: đang về chỗ sơ tán ngủ với vợ con nghe có người đâp cửa là đi vào chiến trường miền Nam luôn. Bài báo đó vì thế có tên là "Một sự đột ngột đã được đón sẵn"; Anh Nguyễn Chơn - 20 năm chỉ đánh giặc không màng tới vợ con (từ cán bộ đại đội lên thượng tá); Hay anh Đinh Nhượng - một thương binh dũng cảm dù bị mất chân vẫn động viên các thương binh khác là mình vẫn còn có ích cho cuộc đời…". Theo nhà báo Vũ Hồ, điều quan trọng nhất là phải viết về những tấm gương ấy sao cho thật chân thực, chính xác để mọi người cùng học tập.
Một kỷ niệm sâu sắc nữa trong cuộc đời làm báo của đại tá Vũ Hồ là việc được giao viết bài xã luận "Bác Hồ còn sống với non sông đất nước" khi Người lâm bệnh nặng (cuối tháng 8/1969). Kể lại kỷ niệm viết bài báo đặc biệt này, nhà báo Vũ Hồ xúc động: "Khi nhận nhiệm vụ viết bài này tôi đã khóc. Tôi viết 3 đêm liền, vừa viết vừa khóc, vừa viết vừa mong Bác Hồ qua khỏi. Tôi viết nhưng mong bài báo không được đăng…".
Nhà báo Vũ Hồ cũng là tác giả bài hát "Người về là chiến thắng" với bút danh Vũ Thế Khanh, thể hiện tình cảm kính yêu với Bác Hồ…
Mỗi chuyến đi là một bài học
|
Nhà báo Trần Ngọc |
Để đáp ứng yêu cầu của chiến trường luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, luôn luôn cơ động, nhà báo Trần Ngọc đã tự đóng cho mình các cuốn nhật ký chiến trường chỉ nhỏ bằng túi áo ngực để thuận lợi cho việc ghi chép. Ông nhớ lại: “Trong điều kiện phải luôn sẵn sàng chiến đấu, khẩn trương, không có chỗ ở ổn định, các phương tiện nghề nghiệp của mình thì hầu như không có. Không có máy ghi âm, máy quay phim, tôi chỉ có một máy ảnh, phim cắt dài từng thước rồi nhét vào máy để chụp. Phương tiện chủ yếu là giấy, bút. Kiếm được bút bi rất khó, chỉ có ruột bút bi Trung Quốc, cuốn giấy xung quanh để viết. Mỗi lần vào chiến trường là mang theo một cuốn sổ. Ban đêm ngồi trên võng, đặt quyển sổ lên đùi, tay trái cầm đèn pin soi xuống viết. Khi đi thì cho cuốn sổ vào túi ni-lông, qua sông qua suối, không ướt. Chỉ khi nào mình hy sinh thì những quyển sổ này mới mất".
Đến nay, nhà báo Trần Ngọc vẫn lưu giữ được 5 cuốn sổ nhật ký, mỗi cuốn dày tới 500 trang, mà ông ghi chép trong những chuyến đi chiến trường. Những tư liệu quí giá ấy không chỉ phục vụ cho việc viết báo ngay lúc đó, mà còn là những tư liệu quí để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền nhiều năm sau này. Trong dịp kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh mới đây, báo Quân đội nhân dân đã đăng 7 kỳ liên tiếp những câu chuyện về hành quân trên đường Hồ Chí Minh rút trong cuốn nhật ký chiến tranh của nhà báo Trần Ngọc. Tuy nhiên đó mới chỉ là một phần rất nhỏ trong các cuốn nhật ký chiến tranh của ông.
Với nhà báo Trần Ngọc, mỗi một lần vào chiến trường là một lần đi học. Đó là những bài học quí giá, tiếp thêm sức mạnh giúp các nhà báo chịu đựng và vượt qua qua những khó khăn, thử thách. "Mỗi con người mà mình gặp quá anh hùng. Tự nhiên thấy mình bé nhỏ và học được ở họ nhiều lắm" - nhà báo Trần Ngọc tâm sự./.
Chương trình giao lưu - nghệ thuật "Nhà báo- Sự kiện và Nhân chứng" là chương trình nghệ thuật đặc biệt, với nhiều bài hát do các nhà báo sáng tác hoặc được phổ nhạc từ thơ của các nhà báo. Thông qua chương trình, Ban tổ chức đã vận động được hơn 100 triệu đồng từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để trao nhà tình nghĩa cho gia đình các nhà báo liệt sĩ và các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện sự tri ân của thế hệ trẻ hôm nay với các nhà báo- liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. |