Trước diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19, để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương đã quyết định triển khai các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ "về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19" kể từ 0 giờ ngày 16/2/2021, tức mùng 5 Tết. Sở Công Thương tỉnh Hải Dương khẳng định đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân. 

Báo cáo nhanh của Bộ Công Thương cho biết, hiện tại lượng hàng hóa nói chung, các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong dân cũng như tại các doanh nghiệp, trung tâm thương mại trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương tương đối dồi dào, phong phú do trong những ngày trước và trong Tết nguyên đán tình hình kinh doanh trên địa bàn rất hạn chế. Các siêu thị lượng mua hàng giảm nhiều so với ngày thường. Nhiều cửa hàng hộ kinh doanh đã đóng cửa. Một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn được mở bán tại các cửa hàng và trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Không có hiện tượng găm hàng và tăng giá đột biến, giá cả ổn định như khi chưa có dịch.

Theo ông Phạm Thanh Hải Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, tỉnh đã có kế hoạch đảm bảo hàng hóa dịp Tết nguyên đán trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 0h ngày 16/02 (tức mùng 5 Tết), ông Phạm Thanh Hải cho biết: "Thứ nhất, thực hiện tốt kế hoạch đảm bảo 4 tại chỗ, ở vùng nào đảm bảo tại chỗ ở đó. Thứ hai, đã có đầy đủ hàng hóa trong các đơn vị lưu thông hàng hóa, sẵn sàng đảm bảo về số lượng chủng loại. Những vùng nào thiếu thì yêu cầu phải cung cấp ngay thông tin đầy đủ để chuyển về tỉnh, để tỉnh có kế hoạch điều chuyển tăng cường về khu đó ngay".

Cũng theo ông Phạm Thanh Hải-Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, điều cần chú ý nhất chính là khâu lưu thông làm sao để đảm bảo vừa an toàn trong phòng chống dịch, nhưng cũng được thực hiện nhanh chóng để tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các địa điểm chung chuyển. Một số phương án về khả năng chậm trễ cũng được đặt ra để sớm có phương án giải quyết.

"Trong điều kiện phòng dịch thì khâu vận chuyển hay bị tắc nghẽn ở các Trạm kiểm soát ở các địa phương. Tỉnh cũng đã thống nhất và gỡ được rồi, song đôi khi vẫn xảy ra tình huống như: vận chuyển xăng dầu, các mặt hàng lương, thực thực phẩm thiết yếu vẫn làm chậm. Một tình huống khác có thể xảy ra ở các đơn vị cung ứng chẳng hạn là nếu nhân viên của họ bị nhiễm bệnh sẽ đưa đi cách ly, chữa trị ngay, nhưng sau khi phong tỏa khử trùng diệt khuẩn, đảm bảo các biện pháp phòng dịch, vẫn phải tiếp tục mở cửa để phục vụ nhân dân  khu vực đó", ông Phạm Thanh Hải cho biết./.