Trong khi vẫn đang phải khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ đầu tháng 10 vừa qua, người dân Hà Tĩnh lại phải đối mặt với một đợt mưa lũ khác. Hiện nay, tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang… trời mưa rất to, khiến nhiều vùng bị cô lập. Mưa to cũng đe doạ đến an toàn của nhiều hồ đập ở Hà Tĩnh.

Tại xã Hoà Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn đã khiến hơn 300 nhà dân bị ngập. Hiện nay, mực nước trên sông Rào Lũ tiếp tục dâng cao. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã di dời hơn 500 hộ dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên, hiện nay người dân phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như thiếu lương thực, nước uống do vừa trải qua đợt mưa lũ nghiêm trọng đầu tháng 10. Đường xá vẫn bị chia cắt, các phương tiện không thể tiếp cận. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tăng cường lực lượng đến từng thôn, nắm bắt thông tin và kịp thời thông báo, di dời dân đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng.

Bà Hồ Thị Huyền, Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Hải, huyện Hương Khê, cho biết: “Mực nước lên nhanh, ngập quá sâu, người dân phải đối mặt với lũ vất vả. Hiện chính quyền địa phương tăng cường lực lượng ở cơ sở để vận động và di dời người dân đến nơi an toàn đảm bảo tính mạng. Đợt lũ vừa rồi chúng tôi được hỗ trợ 10.000  thùng mỳ tôm, đã phân phát về các hộ. Hiện nay người dân vẫn còn lương thực dự trữ nhưng nếu mưa lũ kéo dài vài ngày thì nguy cơ thiếu đói trong dân rất cao”.

Hiện nay, tại trạm đo Chu Lễ mực nước đã lên trên 12 m, trên báo động 2, gây cô lập nhiều địa phương.

Ngoài huyện Hương Khê, huyện Vũ Quang cũng đã bị cô lập từ đêm 15/10… Đáng lo ngại là mưa lớn đã làm đập hồ Khe Mơ ở huyện Hương Sơn bị vỡ. Lực lượng chức năng đang khẩn trương sơ tán dân ở vùng hạ du, đồng thời khắc phục sự cố vỡ đập. Đối với các hồ đập lớn khác trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp đang kiểm tra và đảm bảo vận hành an toàn. Hồ Kẻ Gỗ đang xả nước với tốc độ 350m/s, hồ Sông Rác cho xả 100m/s.

son-thinh.jpg
Trường Tiểu học Sơn Thịnh (Hương Sơn) bị ngập sâu 1,2m

Ông Lê Đình Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc làm cần thiết nhất trong lúc này là di dời dân vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng:. “Cả tỉnh đang tập trung về cơ sở, chỉ đạo sát sao, có phương án sơ tán dân. Đợt lũ vừa qua khắc phục vẫn chưa xong, vùng nào lũ đáng báo động là bắt đầu sơ tán dân ngay. Kiểm tra cả các tuyến giao thông, đối với những đoạn bị ngập đã có các biển báo cấm người qua lại để đảm bảo tính mạng của người dân, những đoạn ách tắc, lực lượng chức năng đang khẩn trương thông tuyến " – ông Sơn nói.

Trong khi đó, theo dự báo, lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình tiếp tục lên; các sông ở Nghệ An sẽ lên lại; các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam xuống dần. Đến chiều, tối 16/10, lũ trên các sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ lên mức: 15,0m, trên báo động 3: 1,5m; Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lên mức: 11,5m, trên báo động 3: 1,0m... Người dân cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình./.