Chiều 30/10,  đại diện Sở Giao thông vận tải và Công an Hà Nội cho biết, đến nay thành phố Hà Nội đã xóa bỏ được 66/124 điểm nút giao thông có nguy cơ ùn tắc giao thông cao. Hơn 20 nút giao thông không phải sử dụng đèn tín hiệu để giải quyết các luồng xung đột giao thông tại các nút.

Điều chỉnh một số nút đóng dải phân cách tại ngã ba, ngã tư đèn tín hiệu chỉ phục vụ người đi bộ sang đường như: Nguyễn Trãi - Khương Đình, Nguyễn Trãi - ĐH Tự nhiên, Nguyễn Trãi - Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Trãi - Lương Thế Vinh, Kim Mã- Ngọc Khánh, Kim Mã - Giang Văn Minh, Trần Duy Hưng - Hoàng Ngân, Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám... Nghiên cứu điều chỉnh chu kỳ đèn tại các nút tổ chức giao thông dùng đèn tín hiệu để điều tiết giao thông một cách hợp lý và hiệu quả như: Giảng Võ - Cát Linh, Láng Hạ - Thái Hà, Láng Hạ - Đường Láng, Ô Chợ Dừa, Yên Phụ - Nghi Tàm- Thanh Niên, Tây Sơn - Hồ Đắc Di, Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Bạch Mai - Đại Cồ Việt.

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, công tác tổ chức giao thông khoa học, hợp lý tại các nút và trên các tuyến đường đã phát huy hiệu quả, làm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố và rút ngắn thời gian của các phương tiện tham gia giao thông trong giờ cao điểm.

Theo Đại tá Trần Thùy, Phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội phân làn phương tiện là phương án hết sức khó khăn, bởi phải huy động lực lượng lớn mới thực hiện được. Liên ngành giao thông, công an sẽ tổ chức lực lượng, kiên trì thực hiện trong thời gian dài như việc xử phạt mũ bảo hiểm, như vậy mới có hiệu quả.

Trong Tháng An toàn giao thông (tháng 9/2009), Công an Thành phố Hà Nội đã phải xử lý hơn 93.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, với số tiền phạt trên 11,7 tỷ đồng. Cũng đã có tới 4 trường hợp chống lại cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ. Đây là một thực trạng rất đáng báo động, cần phải được các cơ quan hữu quan xử lý nghiêm khắc.

Theo thống kế của Công an thành phố, mỗi tháng trung bình Hà Nội có khoảng 4.000 ôtô và 16.000 xe máy đăng ký mới trong khi hạ tầng giao thông chưa theo kịp. Tốc độ phương tiện giao thông cá nhân gia tăng quá nhanh gây tăng sức ép về tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu hành trên đường và gây ùn tắc giao thông trong những tháng gần đây.

Thời gian tới, Liên ngành Giao thông Vận tải - Công an thành phố tiếp tục duy trì, phối hợp chặt chẽ trong công tác phân luồng, hướng dẫn chống ùn tắc giao thông tại các điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông và hướng dẫn giao thông trên các nút, tuyến. Đồng thời, điều chỉnh lại tổ chức giao thông, chỉnh trang lại khu vực đã tổ chức giao thông đảm bảo mỹ quan và nghiên cứu giải pháp giao thông cho người đi bộ hợp lý . Tổ chức khảo sát các tuyến đường có đủ điều kiện để tổ chức cắm biển, sơn kẻ phân làn riêng cho các phương tiện.

Trước mắt, lực lượng liên ngành sẽ tổ chức giao thông, điều chỉnh lại các tuyến, nút giao thông tuyến đường Lê Văn Lương-Láng Hạ, Nguyễn Văn Cừ, Cống Chênh, nút giao thông Daewoo, Phạm Văn Đồng, Pháp Vân-Cầu Giẽ./.