Tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV một trong những nội dung chất vấn được đại biểu và Ban đô thị HĐND thành phố quan tâm, liên quan đến các vấn đề: Quản lý quy hoach, vi phạm trật tự xây dựng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Đến nay, các nội dung này đã được thường trực HĐND thành phố tập hợp chuyển đến UBND thành phố xem xét trả lời.

giao_thong_bsik.jpg
Quanh các bệnh viện hạ tầng giao thông, an ninh trật tự chịu áp lực rất lớn.

Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị - HĐND thành phố Hà Nội thực tế đây là những vấn đề đang bức xúc trong hoạt động kinh tế -xã hội của thành phố. Vừa qua, Ban Đô thị đã giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm quy hoạch theo quy định của Luật Thủ đô và Nghị quyết của HĐND thành phố. “Qua giám sát có thể khẳng định sau khi có Luật Thủ đô, thành phố triển khai thực hiện rất tốt và nghiêm Luật này. Công tác quy hoạch có chuyển biến cả về chất lượng và số lượng. Kết quả đó góp phần làm cho bộ mặt đô thị ngày càng tốt hơn” - ông Nguyễn Nguyên Quân chia sẻ.

Di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục

Theo Kết luận giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố về việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Thủ đô. Thành phố đã xem xét, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng các cơ sở bệnh viện, cơ sở giáo dục, trụ sở cơ quan để phục vụ di dời như: Tổng số cơ sở bệnh viện đã và đang thực hiện di dời 8 cơ sở, trong đó 2 cơ sở đã đưa vào sử dụng (Bệnh viện K cơ sở 2, Bệnh viện Nội tiết Trung ương); một số đã được phê duyệt quy hoạch khu đất xây dựng mới các bệnh viện (Bệnh viện Mắt T.Ư cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản T.Ư cơ sở 2, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm…); Phối hợp với các Bộ và cơ quan giới thiệu, bố trí quỹ đất phục vụ di dời cho 9 cơ quan, trong đó 7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý, 2 cơ sở đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Thành phố đã bố trí quỹ đất khu các trường đại học tập trung tại Hòa Lạc (279,5 ha) đến nay đã có 1 trường được giới thiệu đến khu vực này; Phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu cụm Dục Tú – Mai Lâm huyện Đông Anh (gần 43 ha) để lập dự án xây dựng 2 trường đại học, cao đẳng.

UBND Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị; tổ chức việc quan trắc, phân tích đánh giá ô nhiễm môi trường tại các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn 12 quận nội thành; Thực hiện việc rà soát, đối chiếu, xác định các cơ sở không phù hợp quy hoạch và dự kiến quy hoạch sử dụng đất sau khi di dời. Theo lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Hiện đã có 32 cơ cở sản xuất công nghiệp thực hiện lập dự án chuyển đổi chức năng sử dụng đất.

Về quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường: Thành phố đã phê duyệt 6 quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên tuyến đường. Đó là các tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài, tuyến đường 179, tuyến đường Dốc Hội - Đại học Nông nghiệp, tuyến đường Lê Văn Lương, tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu), tuyến đường Phạm Hùng. Đồng thời, Thành phố đã ban hành quy định cải tạo chỉnh trang hai bên các tuyến đường Vành đai 1, phố Lê Trọng Tấn và tiếp tục triển khai trên các tuyến phố khác.

Về thực hiện quy định về tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới: phê duyệt 21 dự án đảm bảo đúng quy định, phục vụ mục tiêu phát triển chung của Thành phố, tạo lập quỹ nhà, quỹ đất nhằm giải quyết nhu cầu ngày càng gia tăng của các đối tượng nhà ở xã hội.

Chấp thuận điều chỉnh quy hoạch gây áp lực lên hạ tầng xã hội

Ban Đô thị cũng chỉ rõ những mặt còn hạn chế trong việc triển khai nhiệm vụ quản lý quy hoạch, đó là: Theo quy định trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có, không xây dựng mới cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, một số cơ sở bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình vẫn được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận tăng quy mô về chiều cao, số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất làm gia tăng áp lực lên hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và giao thông tại khu vực, chưa đảm bảo định hướng lâu dài theo quy định của Luật Thủ đô và Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Một số cơ quan, cơ sở giáo dục, y tế sau khi di dời đến cơ sở mới nhưng vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng cơ sở cũ. Kết quả thực hiện di dời cơ sở sản xuất công nghiệp và không phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô còn chậm so với yêu cầu. Việc lập quy hoạch chi tiết các trục đường giao thông mới trên địa bàn Thành phố chưa đáp ứng yêu cầu kế hoạch đề ra cả về số lượng, tiến độ và quy định trình HĐND Thành phố xem xét, quyết định việc quy hoạch.

Việc thực hiện đồ án quy hoạch sau khi được phê duyệt chưa đáp ứng được mục tiêu, chưa đồng bộ quy hoạch hai bên đường với kế hoạch mở đường; chưa thực hiện việc thu hồi đất 2 bên tuyến đường đồng thời với dự án mở đường đã được lập quy hoạch chi tiết.

Ban Đô thị kiến nghị một số biện pháp đối với các cơ quan có thẩm quyền để sớm khắc phục trong thời gian tới. Về phía Chính phủ chỉ đạo các Bộ sớm hoàn chỉnh quy hoạch ngành, danh mục tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời cơ sở ra khỏi nội đô, nội thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết ddinhj130/ QĐ – TTg ngày 23/1/2015. Có cơ chế tài chính khuyến khích, khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu quả, đảm bảo tiến độ và lộ trình di dời. 

Về phía UBND thành phố Hà Nội trên cơ sở lộ trình và biện pháp di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch sớm có báo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện theo quy định; Di dời các cơ sở gây ô nhiễm phải gắn với quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất sau di dời dời theo quy hoạch, ưu tiên hàng đầu và có cơ chế xây dựng phát triển các công trình công cộng, hạ tầng xã hội… phục vụ cộng đồng./.