Chiều 7/3, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội đã họp khẩn với các sở ngành, quận, huyện liên quan để bàn biện pháp truy xuất và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, sau khi liên tiếp có bệnh nhân ở Hà Nội bị ngộ độc rượu methanol.

Tính đến chiều 7/3, đã có kết quả xét nghiệm 10 mẫu rượu, trong đó có 2 mẫu rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng rất cao. Cụ thể, mẫu rượu trắng pha cẩm lấy tại quán cơm Vĩnh Thành (địa chỉ: số 95 khu giãn dân phương Mộ Lao, Hà Đông) có hàm lượng methanol lên tới 202.475mg/L, vượt ngưỡng cho phép 2.002 lần. Hay mẫu rượu ngâm của gia đình ông Nguyễn Đình Chính (địa chỉ: số 59, tổ 24, phương Khương Đình, quận Thanh Xuân) có nồng độ là 89.680mg/L, vượt ngưỡng gần 900 lần.

Trước tình trạng này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị các sở ngành liên quan, các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc các loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là nguồn rượu từ những cơ sở đã khiến bệnh nhân ngộ độc methanol.

Mặt khác, phải tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, song song với việc bắt buộc các cơ sở nấu rượu phải cam kết đảm bảo an toàn, cấm pha cồn công nghiệp vào rượu.

ngo_doc_ruou_eqek.jpg
Một bệnh nhân bị ngộ độc rượu điều trị tại BV Bạch Mai (ảnh: Thế Đoàn)
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, chỉ trong khoảng 10 ngày qua, Sở đã ghi nhận 11 người ở Hà Nội bị ngộ độc rượu methanol phải vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, 1 trường hợp tử vong.

Hầu hết bệnh nhân là người ở địa phương khác về Hà Nội làm việc, cư trú tại 5 quận, huyện gồm Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Ba Đình.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thành phố Hà Nội cho biết, qua điều tra từ các nạn nhân bị ngộ độc rượu, có tới 3 người bị ngộ độc rượu sau khi uống rượu ở các quán ăn tại quận Đống Đa.

Sở Y tế Hà Nội thông tin thêm, hơn 1 tuần qua, Sở Y tế, Sở Công Thương, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn và truy tìm rượu methanol. Đến nay, đã kiểm tra được 225 cơ sở; lấy mẫu xét nghiệm tại labo 25 mẫu (xét nghiệm nhanh tại cơ sở 3 mẫu rượu có 1 mẫu dương tính với methanol); niêm phong 1.970 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; tiến hành xử phạt 18 cơ sở với số tiền gần 70 triệu đồng.

Tại hội thảo sức khỏe và an toàn thực phẩm do Cục An toàn Thực phẩm, Hội Chữ thập đỏ, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức ngày 7/3, các chuyên gia y tế nhấn mạnh vì cuộc sống nghèo khó khiến người bán hàng đã làm liều, pha rượu có cồn để bán kiếm lời dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như trên.

Loại rượu pha chế từ cồn công nghiệp không qua chưng cất hoặc để một thời gian người sử dụng uống luôn, hàm lượng methanol chỉ lượng nhỏ cũng có thể gây chết người. Hậu quả do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol rất nặng nề: Người bệnh có thể tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não giống những trường hợp đột quỵ nặng nề, thêm tình trạng tổn thương nội tạng. Khi bị ngộ độc rượu thì rất khó cấp cứu.

Dù được cấp cứu lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng bệnh nhân vẫn sốc, huyết áp tụt, nhiều trường hợp phải thở máy nhưng phần lớn là bệnh nhân không qua khỏi, gia đình xin về. Nếu qua khỏi cũng để lại di chứng cao như mù, giảm thị lực, mất trí nhớ.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, sau khi uống rượu, nếu thấy xuất hiện tình trạng ngủ lịm, lơ mơ, kích thích quá nhiều… nên đưa bệnh nhân tới viện để được kiểm tra, loại trừ nguy cơ ngộ độc rượu chứa methanol./.

Lại có 7 người ngộ độc Methanol

VOV.VN - Sau vụ ngộ độc rượu Methanol làm 9 người chết tại Lai Châu, mấy ngày nay lại có 7 người ngộ độc Methanol vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.