Hiện nay, Hà Nội có chỉ tiêu cây xanh đô thị rất thấp (khoảng 1-2 m2/người). Theo số liệu của Chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội năm 2015, diện tích công viên, vườn hoa bình quân chỉ là 0,9 m2/người. Hiện toàn thành phố có tổng số 67 vườn hoa và công viên các loại.

Số lượng công viên chuyên đề còn hạn chế, trên địa bàn thành phố mới chỉ có 4 công viên chuyên đề là: Công viên Bách Thảo, vườn thú Hà Nội, công viên nước và công viên Thiên Đường Bảo Sơn. Trong khi đó, ở Singapore là 30 m2; Seoul (Hàn Quốc) 41 m2và Berlin (Đức) là 50m2. Theo quy chuẩn của LHQ đề ra là 39m2/người).

vov_toanh_canh_kfvm.jpg
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo về bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh mới đây, KTS Phạm Anh Tuấn, Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất (Trường ĐH Lâm nghiệp) cho biết hệ thống cây xanh đô thị Hà Nội có nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Bộ rễ cây xanh đường phố bị chèn lấn bởi các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác, cây trồng lâu năm bật gốc bộc lộ những tồn tại trong quy trình trồng, chăm sóc và duy trì; thân và gốc bị xâm hại nghiêm trọng do các hoạt động của cư dân đô thị như: đóng đinh, cạo vỏ, đổ bê tông kín hố trồng; cành tán lệch do điều kiện sống không đảm bảo và chịu ảnh hưởng của hệ thống điện nổi trong lòng đô thị; chủng loại cây trồng không được tuyên truyền, hướng dẫn và quản lý triệt để, dẫn tới tình trạng tự do trong việc lựa chọn loài góp phần làm giảm chất lượng không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và trồng không đúng các chủng loại cây xanh theo quy định.

Cây xanh đô thị của Hà Nội luôn là vấn đề được quan tâm và phát triển. (Ảnh: Bình Minh)
Dù Việt Nam có hệ thực vật đa dạng và phong phú nhưng theo KTS Tuấn, Hà Nội hiện nay đang thiếu các loài cây cho hoa vào mùa đông. Chính vì vậy, cùng với việc hoàn chỉnh các tiêu chí, lựa chọn thêm các loài hoa cho hoa vào mùa đông sẽ góp phần không nhỏ trong việc cải thiện không gian kiến trúc đô thị Hà Nội quanh năm. Một số loài cây có thể thử nghiệm như loại cây họ Trà, cây họ Sở (hoa trắng) hay cây Móng bò hoa đỏ.

Ông Tuấn đã chỉ ra những hạn chế liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn và phát triển cây xanh đô thị tại Hà Nội. Đây cũng là vấn đề không nhỏ đối với các đô thị khác trong cả nước. Nguyên nhân một phần từ các rào cản về thể chế, hạn chế về công nghệ kỹ thuật, sự hiểu biết về tầm quan trọng của hệ sinh thái đô thị mà trong đó cây xanh đóng vai trò lớn chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ.

Bằng lăng tím
Việc xem xét tổng thể các chủ trương, chính sách và giải pháp mang tính đồng bộ nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả của công tác quản lý, bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh là thực sự cần thiết và cấp bách. Nó không chỉ góp phần không nhỏ vào mục tiêu chung của phát triển Thủ đô mà còn đáp ứng những yêu cầu mới trong bối cảnh dự báo về biến đổi khí hậu và tính nghiêm trọng của vấn đề thiên tai (một phần do quá trình biến đổi khí hậu gây ra).

Nếu không phát triển không gian xanh, Hà Nội mất đi bản sắc

Đề cập đến giải pháp quy hoạch kết hợp yếu tố phát triển hệ thống cây xanh TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, hệ thống cây xanh đô thị có vai trò rất quan trọng trong không gian đô thị, bảo vệ môi trường sống đô thị, góp phần bố cục không gian kiến trúc cảnh quan và là một bộ phận không thể thiếu trong hệ sinh thái tự nhiên.

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: VTC News)
Theo bà Nguyễn Thị Lan, trải qua thăng trầm của lịch sử, cây xanh đô thị của Hà Nội luôn là vấn đề được quan tâm và phát triển. Trong nhiều thập kỷ trước, các công viên nằm giữa lòng thành phố như: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo…đã thật sự là những “lá phổi” xanh, khoảng thở đô thị, điểm đến vui chơi, giải trí thân thuộc với nhiều thế hệ người Hà Nội”.

Tuy nhiên, bà Lan cũng thừa nhận, do quá trình đô thị hóa nhanh chóng những năm gần đây và sự gia tăng dân số chóng mặt đã khiến những không gian xanh này không còn cân đối với những khu đô thị mọc lên san sát. Nhìn chung, việc quy hoạch và quản lý cây xanh Hà Nội đang gặp phải rất nhiều vấn đề liên quan giá trị thẩm mỹ, mức độ an toàn và sức khỏe cây xanh đô thị, đặc biệt thiếu các quy hoạch chi tiết cảnh quan cây xanh từ cấp thành phố đến cấp quận - huyện, thị xã. Nếu không có sự kiểm soát và đưa không gian xanh vào phát triển đô thị hợp lý theo các cấp bậc, môi trường đô thị sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời sẽ mất đi bản sắc riêng.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: vườn hoa, sân chơi khu dân cư tại Hà Nội đang rất thiếu. Chỉ tiêu công viên, vườn hoa, cây xanh trong quy chuẩn xây dựng cần 7m2/người nhưng trong nội đô Hà Nội hiện chỉ đạt khoảng gần 2 m2/người.

Học quy hoạch hệ thống cây xanh ở các nước trên thế giới

Bà Lan cho biết: là một quốc gia đi đầu về thiết kế không gian xanh cho đô thị, Singapore là một mô hình rất đáng học tập cho các quốc gia khác dựa trên giải pháp quy hoạch không gian xanh trên diện tích đất đai đô thị nhỏ hẹp, đô thị hóa 100%.

Quy hoạch hệ thống cây xanh của Singapore có những thành tựu nổi bật như: sự hài hòa giữa công trình xây dựng và cây xanh. Những tòa nhà lớn buộc phải có không gian cho cây xanh mới được cấp pháp xây dựng. Tỷ lệ phủ xanh đô thị cao nhất thế giới (50% diện tích đô thị).

Thành phố Côn Minh của Trung Quốc có diện tích phủ xanh là 38,18% với hệ thống cây xanh đa dạng, phong phú. Cây xanh được trồng với số lượng lớn và ở khắp nơi trên địa bàn thành phố. Hệ thống cây xanh đô thị được quản lý theo phương thức số hóa, lưu trữ đầy đủ các thông tin về cây xanh.

KTS Nguyễn Thị Hồng Điệp, Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia cho rằng: hệ thống cây xanh đường phố Hà Nội rất phong phú và đa dạng. Cây xanh bóng mát trên tổng 843 tuyến đường phố thuộc 12 quận nội thành Hà Nội phong phú và đa dạng về chủng loại. Để có một hệ thống cây xanh sinh trưởng phát triển tốt, đáp ứng yêu cầu về cảnh quan đô thị, việc chọn loại cây trồng cho các tuyến phố thành phố Hà Nội cần dựa trên một số đặc điểm như: điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội./.