Theo những người dân sống tại ngách 268/74 đường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, lợi dụng việc giải tỏa và thi công mặt bằng hạ tầng đường 40m ở phường Ngọc Thụy, một số đầu nậu đã thu gom mua đất ruộng của dân và ngang nhiên san lấp đất nông nghiệp.
Cụ thể từ tháng 4 đến tháng 12/2017, các đối tượng ngang nhiên đổ vật liệu, thuê máy xúc, máy ủi san lấp rầm rộ. Mặc dù, người dân liên tục tố cáo vi phạm với chính quyền nhưng đều nhận được trả lời đã nắm được nội dung, biết hết mọi việc. Tuy nhiên, phía chính quyền không hề có động thái ngăn chặn, các đối tượng đã hoàn tất việc san lấp biến đất ruộng thành đất vườn (trồng chuối), xây tường bao che kín. Ngày 6/12, hoàn thành một ngôi nhà và ngày 8/12, tiến hành cẩu cây cối lâu năm về trồng ở sân để hợp thức hóa thành đất ở.
Cũng theo người dân nơi đây, một ruộng rau muống khác cách không xa cũng ngang nhiên bị lấn chiếm đổ đất biến thành đất vườn và xây nhà.
Liên quan đến việc đất nông nghiệp bị san lấp thành đất vườn và xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Thị Bích Hoài cho biết, 2 công trình trên thuộc tổ 17, phường Ngọc Thụy. Ngay sau khi phát hiện công trình vi phạm tại khu đất nông nghiệp, tổ thanh tra xây dựng đã lập biên bản vi phạm hành chính và Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy đã ra Quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với chủ đầu tư tổ chức thi công lắp dựng công trình tạm nhà tre, mái lá trên diện tích đất nông nghiệp không được phép xây dựng, lắp dựng. Sau đó chủ đầu tư đã xin tự khắc phục vi phạm.
Theo ghi nhận thực địa của phóng viên, phần nhà tạm đã được chủ đầu tư tháo dỡ. Tuy nhiên phần tường rào bao quanh chỉ đập phá qua loa, cửa sắt cao rộng vẫn được chủ đầu tư cố tình để lại. Toàn bộ phần đất nông nghiệp đã bị san lấp không thể sử dụng làm nông nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Bích Hoài khẳng định, khu vực đất là toàn bộ cánh đồng Gia Thượng, trước đây UBND quận Long Biên đã có Quyết định cho phép chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả. Đa số cánh đồng đã san lấp hết, riêng khu vực đất này nằm trong hồ rau muống rất sâu khi làm con đường chạy qua nước thải đổ dồn ô nhiễm người dân không trồng rau muống xin đổ đất trồng cây. Họ làm đơn xin làm nhà trông cây nhưng phía phường không nhất trí và đã lập hồ sơ yêu cầu tháo dỡ. “Việc các hộ dân xin san lấp vẫn nằm trong phạm vi trồng cây chứ không sử dụng sai mục đích thì cũng không sao cả”, bà Hoài nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Quyết định số 667/QĐ-UBND ngày 21/4/2008, UBND quận Long Biên phê duyệt đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hàng năm sang trồng cây ăn quả khu vực trong đồng phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội tại khu đồng Gia Thượng, địa bàn tổ dân phố tổ 17,19 phường Ngọc Thụy có diện tích 18,6859 ha. Theo đó, mục tiêu của đề án nêu rõ: phấn đấu trong năm 2008 chuyển đổi được 10 ha, diện tích còn lại tập trung vận động chuyển đổi trong năm 2009 và 2010.
Đối tượng thực hiện là các hộ, cá nhân có diện tích đất trên khu vực thực hiện đề án; thời gian thực hiện đề án 5 năm.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Đỗ Huy Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, UBND quận Long Biên đã có cuộc họp xử lý vi phạm đất đai tại phường Ngọc Thụy. Theo đó, giao UBND phường Ngọc Thụy thông báo tới các hộ gia đình cá nhân sử dụng đất trong khu vực về việc dừng triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hàng năm sang sang trồng cây ăn quả khu vực trong đồng phường Ngọc Thụy (năm 2008) đối với khu đất 18,6859 ha. Trong đó có 4 hộ gia đình cá nhân sử dụng đất tại các thửa số 378, 440, 439, 402 (1),421 tờ bản đồ số 330 –VI.
Ông Chiến nói: “Quan điểm của quận khẳng định việc xây dựng là vi phạm, vi phạm đã được chỉ đạo giải quyết, công trình đã dỡ đi, việc san lấp kiên quyết không được làm tiếp nữa và giữ nguyên hiện trạng. Còn phương án Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đặng Vũ Nhật Thăng ký năm 2008 hết hiệu lực không sử dụng được nữa. Chúng tôi chỉ đạo phường đưa giấy dừng triển khai”./.6.000m2 nhà xưởng “mọc” trên đất nông nghiệp, rút kinh nghiệm sâu sắc!
Hà Nội: Lợi dụng dồn điền đổi thửa xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp