Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 4/12, HĐND thành phố Hà Nội nghe UBND thành phố trình và xem xét, thông qua Nghị quyết về Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

hdnd.jpg

Theo Tờ trình, Quy hoạch hướng đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 40% (trong đó đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề trên 28%). Đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 55% (trong đó đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề trên 40%). Đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 90%.

Mạng lưới các trường nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030: Mỗi quận, huyện, thị xã có ít nhất 1 trung tâm dạy nghề hoặc 1 trường trung cấp nghề hoặc 1 trường cao đẳng nghề.

Đầu tư, nâng cấp các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề công lập thuộc Thành phố nhằm đáp ứng chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị; đầu tư nâng cấp một số trường cao đẳng nghề thành trường dạy nghề chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế, một số trung tâm dạy nghề thành trung tâm dạy nghề kiểu mẫu.

Đến năm 2015, Thành phố có 14 trường cao đẳng nghề; 32 trường trung cấp nghề, 57 trung tâm dạy nghề. Đến năm 2020, có 21 trường cao đẳng nghề, 32 trường trung cấp nghề, 66 trung tâm dạy nghề. Định hướng đến năm 2030 có khoảng 23 trường cao đẳng nghề, 34 trường trung cấp nghề, 73 trung tâm dạy nghề.

Đến năm 2015 có 100% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn theo quy định. Đến năm 2020 có 30% số giáo viên dạy cao đẳng nghề và trung cấp nghề có trình độ sau đại học. Định hướng đến năm 2030 có khoảng 50% số giáo viên có trình độ sau đại học….

Trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch này, các đại biểu HĐND thành phố đã đóng góp ý kiến bổ sung. Theo đại biểu Lê Văn Thành, đạo tào nghề là nhu cầu cấp bách. Nhưng ngân sách để đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn còn tính hiệu quả chưa chắc thuyết phục. Đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá chính xác nhu cầu của người học, nhu cầu của người sử dụng lao động. Đại biểu dẫn chứng có những trường dạy nghề như ở quận Thanh Xuân không có người học nên phải cho thuê- cần đánh giá chuẩn, có bao nhiêu trường không người học.

Cũng theo đại biểu việc xã hội hóa lĩnh vực này sẽ giảm gánh nặng ngân sách là rất quan trọng. Dùng nguồn ngân sách này để cải tạo nâng cấp thiết bị trong các trường… để thu hút học sinh và hoạt động hiệu quả hơn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thắng cho rằng Quy hoạch dạy nghề là một bước tiến rất rõ nhưng vẫn băn khoăn về mục tiêu, chỉ tiêu phát triển phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo là 40%. Đến năm 2020 lại phấn đấu chỉ tiêu đó từ 40% lên 55%. Với tỷ lệ kỳ vọng như mục tiêu đề ra thì đây là tốc độ quá nóng, có thể dẫn đến chất lượng sẽ ngược lại và thiếu bền vững.Đại biểu Nguyễn Tùng Lâm đề nghị làm rõ thế mạnh nghề Hà Nội, đặc biệt là hệ thống làng nghề Hà Nội phát huy được truyền thống riêng của Thủ đô.

Đại biểu cho rằng không nên đánh đồng trường nghề mà cần đưa ra một số nghề tiêu biểu, đảm bảo đồng bộ cho phát triển kinh tế xã hội của thành phố. “Phải chỉ ra được vấn đề, phải đi trước, thể hiện qua việc đầu tư đào tạo nguồn nhân lực của Thủ đô qua những nghề tiêu biểu có thế mạnh”.

"Bên cạnh đó, việc Quy hoạch các trường đạt chuẩn quốc tế, khu vực ASEAN, chất lượng cao, trường khu vực, trung tâm dạy nghề kiểu mẫu cần phải quy hoạch trên những trường nghề, những nghề đào tạo chất lượng cao đảm bảo chuẩn quốc gia, quốc tế và gắn chính trường nghề này với việc phát triển các làng nghề của Hà Nội", đại biểu Lâm nhấn mạnh./.