Thành phố Hồ Chí Minh đang rốt ráo hành động để chỉnh trang đô thị, lập lại trật tự lòng đường vỉa hè và bước đầu đã có những hiệu quả. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nan giải là thiếu các bãi đỗ xe khiến cho nhiều tuyến đường vẫn còn tình trạng đậu đỗ xe tràn lan dưới lòng đường gây ách tắc giao thông. Trong khi đó, các dự án bãi đậu xe của thành phố, nhất là các bãi đậu xe ngầm vẫn ì ạch khiến cho tình hình càng thêm bế tắc.

do_xe3_vov_ujcn.jpg
TP. HCM đang thiếu trầm trọng chỗ đỗ xe.

Thiếu bãi đỗ xe là một thực tế đã tồn tại từ nhiều năm nay. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong phạm vi bán kính 500m từ trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố có khoảng 59 công trình cao tầng có từ 1 đến 5 tầng hầm để xe với tổng diện tích sàn tầng hầm để xe là khoảng 265 ngàn m2, dự tính ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu cần thiết cho các tòa nhà thì có thể dành khoảng 20%, tức khoảng hơn 94 ngàn m2 đáp ứng cho đậu xe công cộng (ước tính khoảng 1.300 ô tô và hơn 2.700 xe gắn máy).  

Tại khu trung tâm thành phố có 25 tuyến đường cho phép đỗ dưới lòng đường có thu phí (khoảng hơn 1000 chỗ đậu xe) và 22 tuyến đường không tổ chức cấm.

Hiện thành phố đang quản lý 7,8 triệu phương tiện, tăng đến hơn 60% so với năm 2010, cụ thể gồm hơn 615 ngàn xe ô tô và hơn 7,2 triệu xe máy. Trong đó, số lượng xe ô tô tăng lên nhanh chóng khi tổng số ô tô trong năm 2016 tăng 9,5% so với năm trước đó khiến cho tình hình đậu đỗ càng thêm nghiêm trọng. Trong khi đó, mức thu phí đậu xe thấp, chỉ 5.000 đồng/lượt mà không giới hạn thời gian, việc xử phạt chưa nghiêm nên hiện nay tình trạng đậu đỗ xe tràn lan trên đường diễn ra phổ biến.

Bí thư TP. Hồ Chí Minh: Thực tiễn thành phố phát triển nhanh thì chúng ta phải rà soát cho phù hợp. Bao nhiêu bãi đỗ xe ngầm thì đề nghị làm quyết liệt lên. Phương án tài chính không đảm bảo thì Nhà nước phải bỏ tiền vào. BOT không được thì chuyển sang đối tác công – tư PPP, một phần nhà nước bỏ tiền vào thì mới được. Và các bãi đậu xe ngầm phải gắn với kinh tế và quốc phòng và các bãi đậu xe thông minh. Thủ tục phải nhanh lên để khuyến khích

Theo qui hoạch tại Quyết định 6708/QĐ-UBND năm 2012, khu trung tâm rộng 930 ha có 8 bãi đậu xe ngầm và có 4 bãi đậu xe ngầm đã có nhà đầu tư là tại công viên Lê Văn Tám, sân bóng đá Tao Đàn, sân khấu Trống Đồng, sân bóng đá Hoa Lư nhưng nhanh lắm đến 2019 mới có thể đưa vào khai thác (sẽ đáp ứng được khoảng 6.300 ô tô và 4.000 xe gắn máy). 

Đại diện chủ đầu tư các dự án trên khi được hỏi về sự chậm trễ thì đều tỏ ra ngán ngẩm bởi với mức thu phí 5.000 đồng/lượt không hạn chế giờ như hiện nay thì nếu bãi đầu xe ngầm hoạt động sẽ không thể cạnh tranh nổi và chắc chắn lỗ vốn. 

Theo tiến sỹ Võ Kim Cương, ở đây có phần lỗi về điều tiết của thành phố. Bởi với mức giá đỗ xe như hiện nay và việc cơ quan chức năng chưa kiên quyết xử phạt các trường hợp đậu đỗ trái phép nên người dân ít vào những bãi đỗ xe…Nhà đầu tư cũng ngại bởi mức giá đỗ xe hiện nay theo qui định của nhà nước là quá rẻ nên không có lời, dẫn đến ngại ngần không dám đầu tư. Tiến sỹ Võ Kim Cương ví dụ, ở nước ngoài, người sử dụng xe phải thuê chỗ đỗ xe cũng không khác gì thuê chỗ ở và xử rất nghiêm vi phạm đậu đỗ ngoài đường. Về mức giá giữ xe nên để theo giá thị trường, theo qui luật cung cầu, Nhà nước chỉ nên định giá giữ xe ở những nơi như trường học, bệnh viện… và nên có cơ chế hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong việc triển khai xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, bãi xe cao tầng…

"Lỗi là về phía điều tiết của thành phố bởi nếu có chỗ đậu ngoài đường thì người ta sẽ không vào các bãi đậu xe mà phải trả tiền. Nên trước hết phải nghiêm cấm đỗ xe ngoài đường, khi đó người ta sẽ đứng trước lựa chọn là không mua xe nữa hoặc phải có chỗ đỗ xe trong nhà, tức là phải trả tiền", Tiến sỹ Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng thành phố nói.

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chủ trương chung của thành phố là xã hội hóa các bãi đậu xe ngầm. Khu trung tâm thành phố có qui hoạch 8 bãi đậu xe ngầm với qui mô 15 ngàn chỗ đậu xe ô tô và nhiều nhà đầu tư quan tâm từ 7, 8 năm rồi, có dự án đã động thổ đã 5 năm nhưng chưa thi công được.

Áp lực về giao thông tĩnh đang đè nặng lên vai lãnh đạo TP. HCM.

Lý giải về sự chậm trễ này, ông Cường cho rằng vấn đề thuộc về nhà đầu tư bởi các dự án như ở công viên Lê Văn Tám, sân bóng đá Tao Đàn… là những vị trí thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, đất giao là đất sạch. Trong quá trình xây dựng chọn lựa công nghệ thì suất đầu tư trên địa chất thành phố tương đối lớn dẫn đến khi đầu tư thì tỷ lệ để cho đậu xe và thương mại dịch vụ là tỷ lệ 70 -30 (70% giành cho đậu xe và 30% là cho dịch vụ) nhưng mà khi tính phương án tài chính thì các nhà đầu tư tự đề xuất và nghiên cứu nhưng không hoàn vốn được.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sắp tới, Sở Giao thông vận tải sẽ xem xét lại các phương án của các nhà đầu tư và quan điểm chung là mức giá sẽ thay đổi, cao dần khi càng vào khu trung tâm.

"Quan điểm chung là điều hành theo hướng giá đậu xe cao dần từ ngoài vào trong, càng vào trung tâm thì giá càng cao. Và sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong đây. Khu trung tâm qui hoạch tương đối bài bản nhưng vấn đề là cơ chế. Sắp tới Sở sẽ tham mưu để điều chỉnh để đảm bảo khu vực trung tâm thành phố đủ chỗ đậu xe, gắn kết với vận tải hành khách công cộng", vị Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm.

Ban An toàn giao thông thành phố cũng đã có kiến nghị tăng mức phí đỗ xe tại các đường cho phép đỗ xe và tính phí theo thời gian đỗ. Cần đẩy nhanh tiến độ các bãi đậu xe ngầm nhưng trước mắt phải nghiên cứu các bãi giữ xe tạm, các bãi đậu xe thông minh, tận dụng triệt để khoảng trống của các nhà xe của các chung cư cao tầng hay các bãi đất trống…

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh nói: "Có thể ở quận huyện chúng ta rà soát để xây các bãi đậu xe thông minh, diện tích nhỏ nhưng nhiều tầng, lắp ghép có thể giải quyết nhanh nhu cầu người dân. Và chúng ta có thể tận dụng các bãi đất trống vận động để sử dụng cho việc đậu xe".

Một mô hình nhà để xe cao tầng đang khai thác hiệu quả là tòa nhà để xe cao tầng ở đường Võ Văn Kiệt, Quận 1 của Tổng Công ty cơ khí Sài Gòn (Samco). Bà Tăng Thị Thu Lý, Phó Tổng Giám đốc Samco cho biết nhà để xe đang kinh doanh từ tầng 5 đến tầng 9, 1 tầng có 90 – 95 vị trí và đã hoạt động hết công suất từ cuối năm 2016, trong đó 70% là khách cá nhân. Giá để xe tháng là 2 triệu đồng/tháng theo bà Lý là hợp lí bởi bãi xe hiện đại, có camera, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, máy phát điện dự phòng…Từ thực tế hoạt động hiệu quả thì Samco đang tính đến việc mở rộng mô hình này. 

"Bây giờ Samco đang có mong muốn, suy nghĩ là đầu tư thêm cho khách vãng lai nữa. Bây giờ thuê theo tháng hết nên để phục vụ rộng hơn, sâu hơn thì mình đang nghiên cứu đầu tư thêm mô đun đậu xe, và có thể xây dựng thêm nếu có khả năng", bà Tăng Thị Thu Lý, Phó Tổng Giám đốc Samco nói.

Tại cuộc họp về quản lý trật tự đô thị mới đây, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cũng đã chỉ đạo triển khai nhanh các bãi đậu xe ngầm, vướng mắc chỗ nào thì giải quyết chỗ đó, có thể thay đổi hình thức đầu tư cho phù hợp.

"Thực tiễn thành phố phát triển nhanh thì chúng ta phải rà soát cho phù hợp. Bao nhiêu bãi đỗ xe ngầm thì đề nghị làm quyết liệt lên. Phương án tài chính không đảm bảo thì Nhà nước phải bỏ tiền vào. BOT không được thì chuyển sang đối tác công – tư PPP, một phần nhà nước bỏ tiền vào thì mới được. Và các bãi đậu xe ngầm phải gắn với kinh tế và quốc phòng và các bãi đậu xe thông minh. Thủ tục phải nhanh lên để khuyến khích".

Tìm hướng ra để đẩy nhanh các bãi đậu xe là vấn đề mà thành phố đang rất quan tâm. Dự kiến trong thời gian ngắn nữa thôi, những nút thắt sẽ được tháo gỡ với sự quan tâm, vào cuộc rốt ráo của lãnh đạo thành phố./.