Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ 2014, VOV online xin chúc quý độc giả một năm mới an khang, thịnh vượng, dồi dào sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và thành công!1h00,sau thời khắc đón giao thừa và xem bắn pháo hoa, nhiều người dân tiếp tục hành trình du Xuân, đi hái lộc và lễ chùa đầu năm. Tại Hà Nội, các ngôi chùa nổi tiếng như: Quán Sứ, Trấn Quốc, Chùa Hà, Chùa Láng, Phủ Tây Hồ, Vạn Niên, Tảo Sách...đều có rất đông người đến lễ để cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc, cầu quốc thái, dân an.
lechua.jpg
Người dân đi lễ đầu năm ở chùa Vạn Niên, Hà Nội (ảnh: Hà Phương)
00h20
, tại Đà Nẵng, hàng vạn người dân thành phố bên bờ sông Hàn và du khách xa gần đã có mặt 2 bên bờ sông Hàn thưởng lãm những màn pháo hoa rực rỡ trong thời khắc giao thừa.
Pháo hoa lung linh trên sông Hàn, Đà Nẵng (ảnh: Hải Sơn)
Mọi người chúc nhau an lành - vạn sự như ý khi thời gian bước sang năm mới. Theo phong tục truyền thống, mọi người đã đến các chùa xin lộc đầu năm, cầu may mắn trong năm mới Giáp Ngọ 2014.Facebook của Trang Do(phóng viên Huyền Trang của VOV đang sống ở Chicago, Mỹ): "Cuộc sống luôn cho người ta cơ hội đến những chân trời khác để trải nghiệm và trưởng thành. Nhưng dù có lớn đến đâu, có tích lũy được bao nhiêu kinh nghiệm ở những mảnh đất mới thì người ở xa vẫn muốn được trở về nhà đoàn tụ trong những ngày Tết!!!Năm Quý Tỵ 2013 đã đi qua với nhiều sự kiện, bước ngoặt thay đổi trong cuộc đời mình, và mình hài lòng với tất cả những điều đó. Những điều hạnh phúc còn tiếp tục kéo dài, và mỗi giây phút đi qua đều chan chứa niềm vui. Mong rằng trong năm Giáp Ngọ 2014 này, bình an và sức khỏe sẽ đến thật trọn vẹn với gia đình mình và tất cả mọi người. Chúc mừng năm mới vạn sự như ý đến tất cả các cô bác, anh chị em và bạn bè."

0h05,hàng triệu kiều bào đang sinh sống khắp nơi trên thế giới dù cách xa về địa lý, thời gian, nhưng, cũng đang hướng về quê hương, cội nguồn, cùng đón thời khắc giao thừa thiêng liêng. Lúc này ở Berlin đang là 18h05 nhưng vợ chồng chị Lê Hoàng Mai - anh Đào Quang Vinh cũng như nhiều gia đình người Việt ở Đức vẫn tổ chức cúng giao thừa theo phong tục như ở Việt Nam. Anh chị giành lời chúc đến cha mẹ, người thân ở Việt Nam bước sang một năm mới dồi dào sức khỏe, an khang, thịnh vượng, hạnh phúc.

Vợ chồng chị Mai, anh Vinh cùng 2 con cúng giao thừa trước bàn thờ (ảnh: Công Anh)

Trong thời khắc thiêng liêng này, mời quý độc giả nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc Tết đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.

CHÚC MỪNG NĂM MỚI - XUÂN GIÁP NGỌ 2014!!!
Pháo hoa rực rỡ trên Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh: Trọng Phú)
Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ pháo hoa (ảnh: Khánh Hiệp)
Pháo hoa trên hồ Xuân Hương, Đà Lạt (ảnh: Quang Sáng)
Tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), mặc cho cái lạnh dưới màn sương đêm của khí trời Đà Lạt, hàng vạn du khách và người dân địa phương vẫn đứng bên bờ hồ Xuân Hương để xem bắn pháo hoa đón chào năm mới Giáp Ngọ 2014. Tuy các màn pháo hoa chỉ kéo dài 10 phút song vì được bố trí điểm bắn bên hồ Xuân Hương dễ quan sát đã thật sự mang lại cảm giác hoành tráng và ấn tượng trong lòng du khách và nhân dân địa phương.00h00, tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành trong cả nước,màn pháo hoa chào đón Xuân Giáp Ngọ 2014 đã chính thức bắt đầu. Hàng nghìn người đến quảng trường 10/3 hồi hộp chờ đón giây phút giao thừa thiêng liêng. 
Hàng triệu con tim đón thời khắc thiêng liêng (ảnh: Thế Thắng)

Anh Nguyễn Tất Hoàng Gia, người dân "phố núi" chia sẻ: "Pháo hoa năm nay đẹp hơn những năm trước. Hy vọng một năm mới an vui, hạnh phúc sẽ đến với mọi người".23h50, tại đảo Tiên Nữ, quần đảo Trường Sa:Đảo Tiên Nữ là nơi đón mặt trời đầu tiên của Tổ quốc và theo khoảnh khắc giao thừa, đảo Tiên Nữ cũng là nơi được đón Tết sớm nhất. Tết đến Xuân về, mặc dù vui xuân nhưng các cán bộ chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa luôn đảm bảo trực sẵn sàng chiến đấu. Thượng úy Nguyễn Văn Trung, Chính trị viên đảo Tiên Nữ cho biết: “Hòa chung khí thế đón xuân của cả nước, chúng tôi đã tổ chức thi gói bánh chưng, hái hoa dân chủ, giao lưu văn hóa văn nghệ cho cán bộ chiến sĩ trên đảo. Các chiến sĩ đều rất hào hứng đón chờ xuân mới và được quán triệt tinh thần trực chiến, vui xuân mới nhưng cũng không quên nhiệm vụ. Tôi muốn gửi lời chúc mừng năm mới tới gia đình các đồng chí đang trực chiến trên đảo”.Trung sỹ Nguyễn Văn Trưởng lần đầu tiên đón Tết trên quần đảo Trường Sa cho biết:“Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn rất vui vì được đón Tết cùng các đồng chí, đồng đội. Đó là niềm vinh dự của tôi khi được đón Tết và thực hiện nhiệm vụ. Tôi hy vọng cha mẹ có nhiều sức khỏe và niềm vui trong năm mới”.Tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên nhân dân đã tập trung ở khu quảng trường trung tâm hội nghị của tỉnh để đón giao thừa, xem pháo hoa. Tuy dòng người đổ về khu trung tâm rất đông, nhưng không xảy ra ùn tắc.

Ông Phan Văn Vượng, thế hệ thứ 2  sinh ra và lớn lên trên đất Thái Lan: Nhân dịp năm mới, tôi xin kính chúc mọi người mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng, và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
23h40 tại TP.HCM,trên đường hoa Nguyễn Huệ rất đông người vì đây là điểm du xuân được yêu thích. Các con đường ở trung tâm thành phố và các tòa nhà được bao trùm bởi ánh sáng lấp lánh. Hàng ngàn người đang chờ đón pháo hoa, đông nhất là các bạn trẻ.

Tại Hà Nội, khu vực đền Ngọc Sơn chật kín người bất chấp không khí ngày càng lạnh. Rất đông người nước ngoài cũng hòa mình cùng người dân Việt để chào đón năm mới. Tại các góc phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm cũng chật kín, không còn chỗ trống. Các quán café, quán nước xung quanh Bờ Hồ cũng được tận dụng để xem pháo hoa.Tại Đà Nẵng, tiết trời chỉ hơi se lạnh. Theo quan sát của phóng viên VOV, hàng ngàn người dân vẫn đang tấp nập đổ về cầu Rồng và cầu sông Hàn để ngắm pháo hoa. Năm ngoái, người dân của Đà Nẵng được thưởng thức một đường hoa dài nhưng với tinh thần sẻ chia với người dân vùng lũ, tiết kiệm tối đa khi xây dựng đường hoa.Cùng chung niềm vui đón Tết cổ truyền của dân tộc, bà Nguyễn Thị Lợi, Việt kiều Thái Lan phấn khởi: "Tôi rất thích không khí Tết ở Việt Nam. Không khí đầm ấm, sum họp, hoa đào, bánh chưng là những nét đặc trưng của Tết Việt Nam. Nói ít nhưng thực ra tình cảm rất sâu. Chúc người Việt Nam cũng như Việt kiều có được một năm mới nhiều may mắn, mạnh khỏe và hạnh phúc".

Bà Trần Thị Bình, Việt kiều Đức: "Đây là năm thứ 2 tôi được ăn Tết ở Việt Nam. Tôi thích Tết Việt Nam nhất, không khí đầm ấm, tuyệt vời. Những năm trước, dù ăn Tết nơi xa xôi nhưng  chúng tôi luôn nghĩ về Tết ở Việt Nam, chẳng bao giờ muốn rời xa quê hương. Tết của Việt kiều xa quê buồn lắm, vẫn phải đi làm bình thường. Không thể nào có được không khí sum họp, đầm ấm như ở nhà.

Bà Trần Thị Bình, Việt kiều Đức
Năm mới, tôi chúc đồng bào Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới năm mới an khang, thinh vượng và hạnh phúc. Mong những người ở xa quê năm sau có thể sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, trở về Việt Nam ăn tết ở quê hương. Đó là điều hạnh phúc nhất, đầm ấm nhất mà không nơi nào có được".

23h05, không khí đón giao thừa ởTP Hồ Chí Minhđang rất sôi động, nhộn nhịp. Tại sân khấu nổi kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, các chương trình ca nhạc vẫn đang diễn ra để phục vụ người dân. Xung quanh khu vực này, rất nhiều người dân tìm vị trí tốt nhất xem pháo hoa sẽ được bắn từ đường hầm vượt sông Sài Gòn phía quận 2.

Hai bên đường Vân Đồn (Quận 4), đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 1), cầu Khánh Hội nối giữa quận 4 và quận 1 cũng đang có rất đông người bộ hành đứng chờ xem bắn pháo hoa.

Sân khấu nổi trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (ảnh: Khánh Hiệp)

Từ 23h, ở tỉnh Kon Tum,các hoạt động đón giao thừa chào Xuân Giáp Ngọ 2014 chính thức bắt đầu. Tại Quảng trường 16/3, UBND TP Kon Tum tổ chức lễ hội bắn pháo hoa đón giao thừa chào Xuân Giáp Ngọ 2014. Suốt khoảng thời gian 1 tiếng đến giao thừa, người dân địa phương được thưởng thức các tiết mục ca, múa nhạc mang hơi thở mùa Xuân, mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước và quê hương Kon Tum phát triển.

Văn nghệ trước giao thừa tại quảng trường 16/3 ở TP Kon Tum
Cùng với 2 điểm bắn pháo hoa tại quảng trường 16/3 và bờ kè sông Đăk Bla ở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum cũng tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp ở trung tâm 3 huyện của tỉnh là: Đăk Hà, Đăk Tô và Sa Thầy.23h00:Phóng viên VOV online liên lạc với ông Nguyễn Thanh Chấn (ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), người vừa được minh oan sau 10 năm ngồi tù với án chung thân về tội giết người. Ông Chấn cho biết, năm nay, ông đón Tết rất vui. Vậy là bao nhiêu năm tháng mong chờ thì đến nay ông đã được cơ quan thi hành pháp luật minh oan cho mình. Ông Chấn gửi lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước, các cơ quan thông tấn báo chí đã thông tin về sự việc.
Ông Chấn thắp hương lên bàn thờ tổ tiên (ảnh: Dân Việt)

“Giờ tôi đã bước sang tuổi 55, là con trưởng trong gia đình, được ăn Tết trong ngày hạnh phúc như thế này là điều tôi mong muốn từ lâu lắm rồi. Tôi còn tưởng mình không còn ngày về. Đêm nay có lẽ tôi sẽ không ngủ được”, ông Chấn bộc bạch.Là trụ cột trong gia đình, Tết sau 10 năm ở trong tù, ông Chấn cũng không chuẩn bị được cái Tết đầy đủ cho gia đình. “Gia đình tôi Tết này có gì dùng nấy thôi”, ông Chấn giãi bày.Nói về mong ước của mình trong năm mới, ông Chấn cho biết, chỉ mong cho mẹ già được khỏe mạnh, vợ hiền được lành bệnh. Bản thân ông cũng muốn cơ quan chức năng có những bồi thường thỏa đáng cho những ngày tháng ông bị oan sai trong tù.22h45 tại trung tâm Hà Nội,các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ... và quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm đã cấm các phương tiện giao thông lưu hành. Người dân đổ về mỗi lúc một đông hơn khi thời khắc giao thừa và thời điểm bắn pháo hoa tầm cao đang tới gần.

Khu vực gần đài phun nước Bờ Hồ, Hà Nội lúc 22h45 (ảnh: Trọng Phú)

22h40, tại thành phố Huế, người dân đổ dồn về khu vực quảng trường Ngọ Môn Huế để xem chương trình văn hóa nghệ thuật chào năm mới và đón giao thừa Giáp Ngọ. Sân khấu lớn nằm dưới chân Kỳ đài Huế chật kín người xem. Huế không có mưa lạnh nên lượng người ra đường trong đêm 30 Tết đông hơn mọi năm. Khắp mọi ngã đường đều chật kín người qua lại. Tại khu vực bến Văn Lâu, chợ Hoa Tết vẫn đang hối hả, những chậu hoa liên tục được người dân mua về để kịp chào đón năm mới. Nhiều thanh niên, người dân và du khách cũng tập trung về ở Quảng Trường Phu Văn Lâu để vui xuân và chờ đợi những màn pháo hoa trong thời khắc giao thừa.

Người dân và du khách trước Phu Văn Lâu (ảnh: Lê Hiếu)

22h39, tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội,chị Uyên ở Thanh Xuân được cả mẹ đẻ và mẹ chồng đưa vào nhập viện. Chị Uyên cho biết, sáng nay chị đã kịp đi chợ sắm sửa thêm nhiều đồ Tết giúp mẹ chồng. Bất ngờ khi bác sĩ khám chỉ định phải nhập viện ngay, chị cảm thấy hơi buồn vì năm đầu về làm dâu chưa làm tròn trách nhiệm cúng lễ cùng nhà chồng.

Chị Uyên cầu mong sức khỏe cho mọi người trong gia đình và cho đứa con bé bỏng sắp chào đời (ảnh: Thanh Hà)

Tuy nhiên niềm an ủi lớn nhất với chị là không bao lâu nữa chị và gia đình sẽ đón thành viên mới chào đời, cháu đầu tiên của ông bà nội. Chị nhớ lại, Giao thừa mọi năm chị luôn cầu chúc sức khỏe cho mình và bố mẹ, nhưng năm nay, không chỉ cầu sức khỏe cho ông bà nội ngoại, vợ chồng chị không quên cầu chúc cho sinh linh bé bỏng của mình chào đời mạnh khỏe, cứng cáp.22h30, độc giả Bùi Tá Vinh, ở Quảng Ngãi phản ánh:Chỉ còn gần 2 tiếng nữa là bước sang năm mới, người dân trong tỉnh tấp nập đổ về quảng trường Phạm Văn Đồng để xem chương trình ca nhạc và màn trình diễn bắn pháo hoa mừng xuân Giáp Ngọ 2014.

Là một người dân ở thành phố, độc giả Tá Vinh cho rằng, những năm trước cũng có ca nhạc và bắn pháo hoa, song không khí vui tươi, phấn khởi của người dân không bằng năm nay. Mặc dù Quảng Ngãi bị liên tiếp mấy trận bão và cơn lũ lịch sử hồi cuối tháng 11/2013 vừa qua, nhưng nhờ sự chăm lo giúp đỡ của các ban, ngành và các đơn vị ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ nhân dân vùng bị trực tiếp và ảnh hưởng trong trận bão lũ ấy, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ngãi nên người dân đã sớm vượt qua khó khăn.

Chính vì vậy mà họ rất phấn khởi vượt hàng chục cây số để về Quảng trường tỉnh để xem ca nhạc và bắn pháo hoa trong giờ giao thừa, chào đón chào năm mới. Không khí nơi đây rất sôi động, nhân dân rất hồ hởi, phấn khởi đón chào, chờ nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước gửi nhân dân nhân dịp Xuân mới và chờ nghe những bài thơ chúc Xuân.

Tại TP Cần Thơ, thời tiết hôm nay mát mẻ, thích hợp cho người dân vui xuân. Từ tối, dòng người từ khắp nơi trong, ngoài TP Cần Thơ đổ về đường 30/4 đến đại lộ Hòa Bình để chiêm ngưỡng đường đèn nghệ thuật với đủ sắc màu và dừng chân tại Đường hoa nghệ thuật tại giao lộ Đại lộ Hòa Bình và đường Võ Văn Tần. Đường hoa nghệ thuật lần đầu tiên được tổ chức tại TP Cần Thơ, nhằm tái hiện không gian Tết Việt với hàng chục chủng loại hoa đặc trưng cho Tết phương Nam, với cảnh thuyền hoa trên sông nước, với nhịp cầu tre lắt lẻo, mái nhà tranh, hay những chiếc xuồng ba lá con con chở đầy nông sản. Ngoài ra, mọi người còn được xem biểu diễn đờn ca tài tử, tham quan mô hình kiến trúc văn hóa tiêu biểu của TP Cần Thơ như: Chợ cổ Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng, cầu Cần Thơ. Không chỉ khách trong nước mà nhiều du khách nước ngoài tập trung về công viên tượng đài Bác Hồ khu vực bến Ninh Kiều để vui Tết. Tại Trà Vinh,chương trình đón giao thừa Xuân Giáp Ngọ đang được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Chương trình Văn nghệ mừng xuân kéo dài 180 phút, gồm nhiều tiết mục vui tươi, hấp dẫn như: Trống Hội, Múa Lân, Hát múa chào xuân mới, Ca cảnh hài… do các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên đến từ Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, Đoàn Ánh Hồng, Trung tâm Văn Hóa tỉnh Trà Vinh cùng nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi đến từ TP HCM.Tại tỉnh Bạc Liêu, người dân từ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận đã náo nức đổ về trung tâm TP Bạc Liêu để vui xuân, chờ xem bắn pháo hoa.Với chủ đề: “Mừng xuân Giáp Ngọ, mừng Đảng quang vinh, mừng Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I năm 2014”, Chương trình nghệ thuật đón giao thừa vào đêm nay của tỉnh Bạc Liêu được dàn dựng gồm 20 tiết mục, cùng sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên, vũ công đến từ Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đoàn cải lương Cao Văn Lầu, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer, Trung tâm Văn hóa TP Bạc Liêu và Tỉnh đội. Tối nay, Bạc Liêu sẽ đồng loạt bắn pháo hoa tại 3 điểm là TP Bạc Liêu; khu vực giáp ranh hai huyện Hồng Dân và Phước Long; khu vực giáp ranh giữa hai huyện Giá Rai và Đông Hải.Tại Sóc Trăng, người dân đã tập trung về Trung tâm Văn hoá Triển lãm Hồ Nuớc Ngọt tham dự Hội "Hoa Xuân" tham quan gian hàng trưng bày các loại hàng hóa và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm.22h08: Ngoài đường phố Buôn Ma Thuột,dòng người đang hướng về Quảng Trường 10/3 chuẩn bị thưởng thức những màn pháo hoa chào đón thời khắc năm mới.

(ảnh: Thế Thắng)

22h00:Trong thời khắc chờ đón giao thừa, nhiều Việt kiều cũng có nhiều tâm sự về nhớ quê hương của người con xa xứ và gửi lời chúc tới tất cả đồng bào Việt Nam ở trong và ngoài nước một năm mới an khang, thịnh vượng và hạnh phúc.

Bà Lê Thị Kim Liên-Việt kiều Angola

Bà Lê Thị Kim Liên-Việt kiều Angola chia sẻ: Tôi đã xa quê hương 19 năm nay nhưng từ đó đến nay mới được 3 lần về quê đón Tết cổ truyền của dân tộc. Mỗi lần về quê hương, tôi đều cảm thấy rất hồi hộp, vui mừng thì thấy đất nước có rất nhiều thay đổi. Mặc dù bà con mình làm ăn bên đó vất vả, nhưng mỗi khi Tết đến xuân về, bà con đều đóng cửa hàng, cửa nhà kéo nhau về quê ăn Tết. Không có điều kiện thường xuyên về quê ăn Tết, nên mỗi khi trở về đối với chúng tôi mỗi giây phút đều rất quý, rất thiêng liêng.

Những năm không về quê được, cộng đồng bà con Việt kiều ở đây đều tụ tập nhau lại cùng đón Tết. Mọi người cùng chuẩn bị mâm cơm cúng đêm Giao thừa, có giò, bánh chưng xanh. Tất cả quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe những kỷ niệm về quê hương, gia đình, sau đó lại ôm nhau khóc vì xúc động.

Năm nay, được về quê ăn Tết, tôi rất vui và xúc động. Nhân dịp năm cũ đã qua, năm mới đang đến rất gần, kính chúc bà con Việt kiều, bà con ở quê nhà đón Tết vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình. Kính chúc mọi người sức khỏe, làm ăn phát đạt, đất nước không ngừng đổi mới, phát triển.Bà Orrgren Oanh, Việt kiều Thụy Điển: "Vợ chồng tôi sau 15 năm mới lại có dịp được về quê hương ăn Tết, được gặp lại gia đình, bà con, họ hàng, được đón nhận những tình cảm yêu thương, gần gũi của Hà Nội. Thủ đô đang không ngừng phát triển từng ngày, vươn lên trên mọi lĩnh vực.

Bà Orrgren Oanh, Việt kiều Thụy Điển

Năm mới, thay mặt bà con cộng đồng người Việt tại Thụy Điển, kính chúc mọi người một năm mới tràn đầy niềm vui. Mong rằng những gì hạnh phúc, tốt đẹp nhất, thắng lợi nhất sẽ đến với chúng ta. Chúc cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới có một năm mới an khang, thịnh vượng".

Facebook của ca sỹ trẻ Huy Quyết: “Đêm giao thừa sao mọi người thích lượn lờ đi chơi ngoài đường thế nhỉ? Điều hạnh phúc, niềm vui sướng nhất đang ở ngay cạnh mình, chính là gia đình, tại sao cứ phải đi đâu, tìm kiếm niềm vui ở đâu? Đêm 30 nào cũng thế, được ở bên bố mẹ và em trai, đối với tôi như thế này đã là quá đủ và quá tuyệt vời rồi...... Chúc mừng năm mới tất cả mọi người, những bạn bè trên facebook của Quyết một năm nhiều sức khỏe, niềm vui, may mắn và thành công!”

21h35 phút, tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội,sản phụ Lê Tú Phương được đưa về giường sau thời gian “vượt cạn”. Vẫn còn lấm tấm những giọt mồ hôi trên trán chị Phương chia sẻ niềm vui vừa đón một em bé kháu khỉnh, bụ bẫm. 

Chị Phương tâm sự, chỉ cầu mong có nhiều sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cho thành viên mới chào đời của gia đình chị (ảnh: Thanh Hà)

Dù ở trong buồng bệnh, không thể cảm nhận được không khí Giao thừa bên ngoài đang đến rất gần, nhưng với chị Phương, năm mới và đặc biệt là Giao thừa năm nay với chị thật nhiều ý nghĩa, hạnh phúc và trách nhiệm của người làm mẹ cũng lớn hơn gấp nhiều lần. Chị Phương tâm sự, chỉ cầu mong có nhiều sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cho thành viên mới chào đời của gia đình chị.

21h30, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), người dân địa phương và du khách đã bắt đầu đổ về khu vực trung tâm Đà Lạt để vui xuân và chờ xem bắn pháo hoa đón chào năm mới 2014.

(ảnh: Quang Sáng)

Để phục vụ nhu cầu thưởng lãm, vui xuân, đón Tết của du khách, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), ngoài chương trình Hội hoa xuân Giáp Ngọ 2014, chính quyền địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, chương trình văn nghệ chào mừng năm mới diễn ra hàng đêm tại một số điểm ở khu vực trung tâm. Trong đêm đón giao thừa tối nay, sau chương trình biểu diễn nghệ thuật đón giao thừa kéo dài 4 giờ đồng hồ tại Quảng trường Lâm Viên, “phố núi” cũng sẽ diễn ra màn bắn pháo hoa kéo dài 15 phút bên cạnh hồ Xuân Hương. Tại Đắc Lắc,hơn 200 bệnh nhân bị bệnh nặng không thể về nhà ăn Tết, đang điều trị tại Bệnh viện Thiện Hạnh- TP Buôn Ma Thuột, đã được Ban Giám đốc bệnh viện đến thăm và tặng quà Tết.

Đại diện bệnh viện trao quà, khám bệnh cho bệnh nhân (ảnh: Thế Thắng)

Bác sĩ Lê Văn Thiêm - Giám đốc Bệnh viện Thiện Hạnh cho biết, bệnh viện tăng cường gần 100 cán bộ, bác sĩ, nhân viên trực đón giao thừa và phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là trực cấp cứu từ thời điểm này đến hết 3 ngày Tết. “Mỗi suất quà chủ yếu là đường, sữa, nhưng Bệnh viện hi vọng đây là niềm động viên để các bệnh nhân sớm khoẻ mạnh, về nhà đón Xuân”- ông Thiêm nói.Tại TP Sơn La, Sơn La, trên các tuyến phố chính, lực lượng công an luôn túc trực để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự để nhân dân đón Tết.

Lực lượng công an luôn túc trực để đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ảnh: Thanh Thủy)

Uỷ ban Nhân dân TP Sơn La đã tổ chức chương trình nghệ thuật "Đảng cho ta mùa xuân". Đêm văn nghệ chào đón giao thừa bắt đầu từ 20h30 đến giao thừa, với nhiều tiết mục hát múa ca ngợi Đảng quanh vinh, Bác Hồ vĩ đại, quê hương Sơn La anh hùng đã thu hút rất đông đồng bào các dân tộc đến tham dự.

Chương trình văn nghệ mừng xuân đã thu hút rất đông đồng bào các dân tộc đến tham dự (ảnh: Thanh Thủy)

Tại TP Sơn La cũng đã diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ chào đón năm mới. 21h20, tại Đà Nẵng, hàng ngàn người dân và du khách từ mọi hướng đổ về về 2 bờ Đông - Tây của dòng sông Hàn thơ mộng.

Năm nay, lực lượng CSGT và Cảnh sát trật tự đã ứng trực trên các cây cầu sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý... lập chốt tại các nút giao thông để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Người dân đang đổ về đường hoa 2 bên sông Hàn, gần cầu Rồng, Đà Nẵng (ảnh: Hải Sơn)

Đêm nay, thời tiết ở Đà Nẵng mát mẻ, các tuyến đường dọc sông Hàn đã ken kín người đổ về thưởng lãm đường hoa. Các quán xá trên đường Bạch Đằng không còn 1 chỗ ngồi, ai cũng chọ cho mình vị trí thuận lợi nhất để cùng gia đình người thân chuẩn bị đón những màn trình diễn pháo hoa rực vào thời khắc chuyển giao năm mới.

21h10, Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội:Thời tiết ngoài trời hiện khá lạnh nhưng dòng người đổ về trung tâm thành phố để xem pháo hoa mỗi lúc một đông, trong đó, chủ yếu là các bạn trẻ. Việc đi lại quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm khá khó khăn vì các điểm biểu diễn nghệ thuật chào năm mới đã bắt đầu diễn ra. Đêm nay, Hà Nội có 29 điểm pháo hoa, trong đó có 5 điểm tầm cao vào 24 điểm tầm thấp.Thành Vinh như đang “nóng” dần lên khi hàng ngàn người đổ về Quảng trường Hồ Chí Minh để đón giao thừa. Chỉ còn ít tiếng nữa là thời khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới chuyển giao. Cùng với cả nước tại Nghệ An nói chung và TP Vinh nói riêng hàng ngàn người đã đổ về các ngã đường, đến Quảng trường Hồ Chí Minh để chuẩn bị đón giao thừa.Trong khi đó, tại các khối phường, hàng ngàn người dân cũng chuẩn bị không khí đón giao thừa với những chum rượu cần, cây đào dựng trong hội quán, sân nhà văn hóa, hay những đống củi lớn dọc đường để tạm biệt năm 2013 và đón năm 2014 nhiều thắng lợi mới.

Người dân đổ về khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh: Trọng Phú)

21h00, tại Nghệ An, anh Nguyễn Quang (phường Đông Vĩnh, TP Vinh) chia sẻ: “Người dân chúng tôi đón giao thừa năm nào cũng góp mỗi nhà một chiếc bánh chưng, cái kẹo và que củi để chốc nữa đốt lên để tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới. Ý nghĩa của việc đốt lửa trại đêm nay với mong muốn một năm 2014 luôn “đỏ”, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống”.

(ảnh: Đăng Quang)

20h55,Phóng viên VOV online liên lạc với gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn (ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), cầm máy trả lời điện thoại là bà Nguyễn Thị Chiến vợ ông Chấn. Bà Chiến cho biết, ông Chấn hiện đang đi thăm gia đình người thân.

Vợ chồng ông Chấn (ảnh: VNE)

Hiện gia đình chỉ có mỗi bà Chiến ở nhà. Theo bà Chiến cho biết, hôm 25/1, bà xin ra viện để được về ăn Tết cùng với gia đình dù bệnh viện chưa cho về. “Tết năm này dù gia đình không có gì để mua sắm cho bằng hàng xóm, láng giềng nhưng vẫn rất vui vì anh Chấn đã được minh oan, thả tự do”.Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) trong quyết định đình chỉ điều tra bị can ký ngày 25/1 cho hay: Đủ căn cứ kết luận bị can Nguyễn Thanh Chấn không thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan ngày 15/8/2003, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.Ông Nguyễn Thanh Chấn bị Công an tỉnh Bắc Giang quy kết tội giết người cách đây hơn 10 năm. Qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, cơ quan tố tụng đã tuyên án ông Chấn tù chung thân về tội giết người.20h46 (tức 14h46, giờ Đức), từ Berlin, chị Quỳnh Nga – phóng viên tờ Thời báo dành cho cộng đồng người Việt ở Đức chia sẻ hình ảnh mâm cỗ cúng tất niên ở nhà mình, cũng có đầy đủ bánh chưng, giò, chả nem, canh măng...không khác ở Việt Nam. Dù lệch múi giờ, nhưng, kiều bào ở Berlin cũng đang thực hiện các phong tục đón giao thừa như ở Việt Nam. Đúng thời khắc giao thừa (tức 18h giờ Đức), chị Quỳnh Nga sẽ đến chùa Phổ Đà (Berlin) để đón giao thừa cùng hàng trăm kiều bào và tăng ni, phật tử người Việt.

Mâm cỗ cúng tất niên của gia đình chị Quỳnh Nga ở Berlin, Đức (ảnh: Nhân vật cung cấp)

20h45 tại Phủ Tây Hồ, Hà Nội, trong tiết trời se lạnh, nhiều người dân thủ đô tất tả sửa soạn lễ đi chùa cầu chúc một năm mới an lành. Càng gần kề thời khắc giao thừa, lượng người đổ về Phủ Tây Hồ làm lễ ngày càng đông đúc hơn. Tuy vậy, cảnh tượng chen lấn, xô đẩy không hề diễn ra, ai cũng làm lễ trong trật tự, có ý thức giữ gìn không khí trang nghiêm trước cửa Phủ.Năm nào cũng đi Phủ vào đêm 30 Tết, chị Nguyễn Tú Anh (Nghi Tàm, Hà Nội) chia sẻ: “Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất, nên tôi thường đi lễ để cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho gia đình. Năm nào cũng vậy, dù bận tới đâu, hay thời tiết có xấu thế nào tôi cũng đến đây để làm lễ tiễn năm cũ và cầu may cho năm mới”.

Người dân đi lễ Phủ Tây Hồ trong đêm giao thừa (ảnh: Hà Phương)

20h40, tại Hội An, Quảng Nam,hàng vạn người dân khắp nơi đổ về quảng trường Sông Hoài dự Hội đèn lồng Hội An, đón giao thừa. Trên sân khấu quảng trường Sông Hoài đang diễn ra chương trình nghệ thuật Hội Tết Giáp Ngọ với nhiều tiết mục đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc như: Đêm hội đèn lồng, Đêm giao thừa nghe khúc hát dân ca, Lý Ngựa ô Trung Bộ…Giao thừa năm nay là lần đầu tiên, phố cổ Hội An phục dựng đoàn rước chúc xuân sắc bùa. Đây là nét văn hóa cổ truyền được bao thế hệ con cháu gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Đoàn hát sắc bùa đến các gia đình chúc Tết (ảnh: Thanh Hà)

20h30 tại các gia đình ở vùng nông thôn Yên Định, Thanh Hóa, tiết trời ở đây se lạnh, trời không mưa. Các gia đình thân thiết tụ họp lại xem chương trình Táo quân và chờ đón giao thừa. Ngoài ngõ, từng tốp thanh niên ngồi tụm năm tụm ba tán gẫu, các cháu nhỏ chạy nhảy chơi đùa...

Các gia đình thân thiết tụ họp lại xem chương trình Táo quân và chờ đón giao thừa (ảnh: Kim Anh)

Một năm nữa sắp qua đi và mùa xuân mới lại về, ai ai cũng đều háo hức đón chờ một cái Tết thật đông vui, ấm cúng và hạnh phúc bên người thân, gia đình. Tuy cuộc sống còn đạm bạc, song cái Tết quê lại là dịp nghỉ dưỡng của người nông dân sau một năm bận rộn với công việc đồng áng. Xuân về, mọi người lại dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con cháu học hành tấn tới, gia đình nào cũng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

20h15, tại Nha Trang, Khánh Hòa: Hàng nghìn người dân địa phương và du khách đang tập trung về khu vực đường Trần Phú, tuyến đường quan trọng nhất của thành phố biển Nha Trang.

Người dân Nha Trang tập trung về Quảng trường 2/4 (ảnh: Thái Bình)

Đây là tuyến đường được mệnh danh là tuyến đường “ánh sáng”, được thắp sáng gần 1km các loại đèn khác nhau, đủ sắc màu. Dọc tuyến đường này còn có các đường hoa, các tụ điểm văn hóa, văn nghệ để đón xuân. Vào thời khắc giao thừa, tỉnh Khánh Hòa sẽ bắn pháo hoa tại 2 điểm trên con đường này: Quảng trường 2/4 và Hòn Chồng. Vì thế lượng người về đây rất đông để tận hưởng không khí biển trong thời khắc giao thừa và ngắm pháo hoa.

20h10, tại bệnh viện phụ sản Hà Nội,khác hẳn với sự đông đúc, nhộn nhịp hàng ngày, các sản phụ ra vào viện ít hơn. Chị Giang, nằm trong quân số trực Giao thừa của khoa Đẻ dịch vụ (D3), cho biết, số sản phụ phải ở lại đón Giao thừa trong khoa chị chủ yếu là những người sinh hôm 29 và 30 Tết khoảng 15-16 người: gồm 4 trường hợp mổ đẻ, 7 trường hợp sinh thường và 4 trường hợp chờ đẻ trong ngày 1 Tết.

Ca trực Giao thừa của khoa Đẻ dịch vụ (D3) (ảnh: Thanh Hà)
Chị Giang chia sẻ, 7 năm gắn bó với khoa Đẻ dịch vụ thì có đến 5 năm chị đón Giao thừa cùng các đồng nghiệp trong viện. Tuy có chút buồn không được sum họp cùng gia đình trong thời khắc thiêng liêng nhưng bù lại chị có được tình cảm ấm áp từ những anh chị em đồng nghiệp trong khoa mà chị xem như ngôi nhà thứ hai của mình.

5 năm đón Giao thừa trong viện đã giúp chị quen dần với việc phải đón Giao thừa xa nhà, không còn cảm thấy lạ lẫm, áp lực như năm đầu mới vào nghề. Chị Giang tâm sự, cũng như các anh chị em khác trong ca trực, mọi người không nghĩ nhiều đến việc đón Giao thừa ở đâu mà phải đảm bảo giúp các sản phụ sinh mẹ tròn con vuông, không để xảy ra bất cứ sự cố nào.

20h00, tại TP Thanh Hóa: Cùng với chương trình nghệ thuật chào đón năm mới, các tuyến phố chính, trục đường lớn đã rực sáng trong ánh đèn LED với chủ đề “khát vọng vươn xa và bay cao” của thành phố trẻ Thanh Hóa.

Người với người dành cho nhau những lời chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng; còn trên các tuyến phố lớn như Đại lộ Lê Lợi, Đại lộ Hùng Vương, đường Trần Phú, bừng sáng như chào đón một năm mới nhiều tín hiệu mới.

Nhiều nơi trong thành phố Thanh Hóa được trang trí đầy màu sắc mừng năm mới  (ảnh: Lại Thìn)

Hệ thống đèn LED được trang hoàng lộng lẫy, đủ các gam màu lung linh, huyền ảo đã tô đẹp thêm cho TP Thanh Hóa những đêm Tết đầm ấm. Bên cạnh đó, cách trang trí của hệ thống đèn này khắc họa lên những nét văn hóa của quê hương xứ Thanh.

(ảnh: Lại Thìn)

Trên tuyến đường lớn như Đại lộ Lê Lợi, hệ thống chiếu sáng hiện đại hiện lên hình ảnh chim Hạc tôn vinh nơi sinh ra nền văn hóa Đông Sơn và những chiếc trống đồng.

Với mục tiêu “không để một gia đình nào không có Tết”, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm nay, hơn 105.000 đối tượng chính sách trong tỉnh được nhận quà tặng của Chủ tịch nước với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tặng quà cho gần 400 đối tượng chính sách, mỗi suất quà trị giá 200.000 đồng và tổ chức các đoàn đại biểu trực tiếp đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng, gia đình chính sách tiêu biểu...

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ 500 tấn gạo cho các hộ nghèo chưa tự túc được lương thực ở 6 huyện miền núi và ven biển với mức 15 kg/người/tháng. Cùng với đó, thời gian này, các huyện, thị xã, thành phố, các công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... đều tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho người nghèo và gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

19h53,Phóng viênLê HiếutừThừa Thiên Huếđưa tin: Tối nay, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế cùng nhà hảo tâm vừa trao 30 phần quà tặng 30 công nhân làm vệ sinh môi trường trên trên các tuyến phố của thành phố Huế. Mỗi suất gồm 500.000 đồng tiền mặt và một phần quà. Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Xuân ấm áp” của Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế dành tặng cho nhừng người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những công nhân làm vệ sinh môi trường… trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết này. 

Ông Nguyễn Chí Quang, Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế trao quà cho công nhân vệ sinh môi trường (ảnh: Lê Hiếu)

Ông Nguyễn Chí Quang, Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế, cho biết: Đây là món quà nhỏ của tuổi trẻ Thừa Thiên Huế dành tặng cho những người làm vệ sinh môi trường ở thành phố Huế, âm thầm lặng lẽ trong đêm giao thừa giữ gìn cho thành phố sạch hơn, đẹp hơn trong mùa xuân mới. 19h15 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng:Khách du lịch và người dân địa phương đổ về khu vực trung tâm ngày càng đông để vui xuân, đón chào năm mới 2014. 

Cùng với chương trình Hội hoa xuân Giáp Ngọ 2014 tại vườn hoa TP Đà Lạt, với sự tham gia trưng bày hơn 10.000 tác phẩm bonsai hoa, kiểng hoa, địa lan, phong lan, đá cảnh và gỗ lũa để phục vụ nhu cầu thưởng lãm, vui xuân, đón Tết của du khách, TP Đà Lạt còn có nhiều hoạt động văn hóa, các chương trình văn nghệ chào mừng năm mới diễn ra hàng đêm tại một số điểm ở khu vực trung tâm. Riêng trong đêm đón giao thừa tối nay, sau chương trình biểu diễn nghệ thuật đón giao thừa kéo dài 4 giờ đồng hồ tại Quảng trường Lâm Viên, tại Đà Lạt cũng sẽ diễn ra màn bắn pháo hoa kéo dài 15 phút bên cạnh hồ Xuân Hương. Ngoài ra, để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu vui xuân, đón Tết, chính quyền địa phương cũng đang tích cực đẩy mạnh và triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh tình trạng nâng giá, ép giá của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các cửa hàng ăn uống trên địa bàn thành phố. Tại Kom Tum,người dân phố núi dường như vội vã, tất bật hơn ngày thường. Chợ hoa là một trong những điểm đến ưa thích của nhiều người trước thời khắc tạm biệt năm cũ và với nhiều tâm trạng khác nhau của cả người bán lẫn người mua.
Nhiều hàng hoa  ở Kon Tum vẫn đắt khách chiều tối cuối năm (ảnh: Khoa Điềm)

18h45, tại TP.HCM:Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm đường hoa Nguyễn Huệ. Rất đông người dân cũng đã đổ về đây để chờ đón khoảnh khắc giao thừa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm đường hoa Nguyễn Huệ (Ảnh: Hà Khánh)

Nhiều người dừng chân ngắm nhìn mô hình 5 con ngựa dũng mãnh, tung vó trên đường hoa như ước nguyện “mã đáo thành công” trong năm mới và khu trưng bầy nhạc cụ Đờn ca tài tử với kích thước lớn nhân dịp môn nghệ thuật này được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nhiều người dừng chân ngắm nhìn mô hình 5 con ngựa dũng mãnh (Ảnh: Hà Khánh)

18h30, tại thành phố Đài Bắc, thuộc vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc): Phóng viên VOV online vừa kết nối với đại diện người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại thành phố Đài Bắc, thuộc vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Chị Đặng Thị Phương Lan, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ, sang làm giúp việc gia đình tại Đài Loan đã được 11 năm cho biết: Là một người mẹ, người vợ, những ngày giáp Tết này ai cũng muốn về ăn Tết với gia đình, bởi chỉ có ở Việt Nam, chúng ta mới có thể hưởng một cái Tết trọn vẹn, đầy ý nghĩa nhất.

Chị Phương Lan gói bánh chưng đón Tết tại Đài Loan (ảnh: Lại Thìn)

Đêm Giao thừa, chị và gia đình ở Việt Nam “giao lưu” với nhau qua trang Facebook. Chị tâm sự, đã nhiều năm đón Giao thừa xa Tổ quốc và mỗi đêm Giao thừa xa quê, đón Tết Việt qua… webcam, chị lại thấy mình như có lỗi với gia đình. Song, những buổi tất niên, gặp mặt đầu Xuân, những chương trình văn nghệ do cộng đồng người Việt ở Đài Bắc tổ chức đã giúp những người con xa quê xích lại gần nhau hơn, cảm thấy nghĩa tình ấm áp như đang ở quê nhà.

Chị Phương Lan chia sẻ: Cộng đồng người Việt tại Đài Bắc như xích lại gần nhau hơn trong giờ phút Giao thừa thiêng liêng này. Trước đó, các chị đã tụ tập cùng nhau gói bánh chưng – với đủ thành phần như lá dong, gạo nếp, đậu xanh… như ở Việt Nam vậy. Các chị cũng đã làm cơm cúng tất niên, cúng Giao thừa và cùng nhau chia sẻ cảm xúc với gia đình qua điện thoại, Internet…

Mâm cỗ Tết của cộng đồng người Việt tại Đài Loan (ảnh: Lại Thìn)

Còn tại gia đình chị Nguyễn Thị Liên Hương, giảng viên tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Đại học Đài Loan (Trung Quốc), cũng tại thành phố Đài Bắc, chị cùng chồng là anh Ngô Chí Vĩ (người Đài Loan) và các con của mình đang quây quần bên nhau, cùng xem TV và bật những bản nhạc nói về Tết Việt, nhất là bài “Ngày Tết quê em” và cậu con trai 6 tuổi của chị đã thuộc và có thể ngân nga được giai điệu của bài hát này.

Theo chị Liên Hương, dẫu biết rằng, thời buổi công nghệ thông tin hiện đại, chỉ cần một cái nhấp chuột trên máy tính, chị đã có thể kết nối, trò chuyện với người thân ở Hà Nội, nhưng cứ nhắc đến Tết, chị lại rưng rưng, đôi khi ngẩn ngơ chẳng làm được việc gì.

Chị Liên Hương cùng chồng và hai con gái song sinh thưởng thức bánh tét-hương vị Tết Việt (ảnh: Lại Thìn)

Là một phụ nữ thành đạt, năng động, tuy quanh năm bận bịu với công việc giảng dạy, biên soạn giáo trình dạy tiếng Việt cho học sinh sở tại, rồi chăm sóc con cái… song chị nhớ Việt Nam, nhớ Hà Nội, nhớ mẹ, nhớ người cha quá cố nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhất là đêm Giao thừa như hôm nay.

Để các con nhỏ của mình hình dung về Tết quê ngoại, chị Liên Hương đã chuẩn bị bánh chưng, bánh tét, giò chả, bánh cốm, nem cuốn... Chị cho các con mặc áo dài truyền thống, cùng chồng tét bánh chưng xanh để cả nhà cùng thưởng thức hương vị dẻo thơm, ngọt ngào, đậm đà Tết Việt.

Giống như Trung Quốc đại lục, người Đài Loan đón Tết sớm hơn Việt Nam một tiếng, nên chị Hương và gia đình thường chờ đến giờ phút Giao thừa để kết nối với mẹ, nghe mẹ chúc Tết các con cháu và bọn trẻ cùng hát bài “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm”…

18h20, tại Đà Nẵng:Phóng viên Hải Sơn cho biết, từ cuối giờ chiều, người dân Đà Nẵng cùng du khách đã bắt đầu tập trung ở các khu vực đường hoa trên đường Bạch Đằng đoạn trước UBND thành phố, đoạn Cầu Rồng cùng 2 điểm phụ trước chợ Hàn và Công viên đường Lê Văn Duyệt. Hai bờ sông Hàn sẽ là những địa điểm chứng kiến rõ nhất những màn pháo hoa trong đêm giao thừa này.

Các cụm trang trí đường hoa là mô phỏng cảnh sinh hoạt mang đậm truyền thống làng quê Việt Nam cũng như nghề chài lưới của ngư dân miền Trung...

Người dân Đà Nẵng chờ đón giao thừa tại đường hoa trên đường Bạch Đằng (ảnh: Hải Sơn)

18h15, Tp Hồ Chí Minh:Những chuyến xe khách cuối cùng đã rời khỏi bến xe miền Đông. Trong ngày hôm nay, tại bến xe miền Đông, lượng khách đến bến ít hơn so với các ngày trước đó. Những hành khách về hôm nay chủ yếu là người lao động đi về các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Theo đại diện lãnh đạo bến xe miền Đông, đến thời điểm gần giao thừa, bến xe sẽ tổ chức các chuyến xe đón những khách đi trên trục tuyến Nam-Bắc từ thành phố ra tới tận Thanh Hóa, Nghệ An để những ai không có vé vẫn có thể về được quê ăn Tết.Tại Sơn La:Ghi nhận của phóng viên VOV tại khu vực Tây Bắc cho biết, sau những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, những ngày cận Tết tại nhiều địa phương của tỉnh Sơn La thời tiết ấm áp, nắng nhẹ, tạo điều kiện cho nhân dân du xuân, sắm Tết.

(ảnh: Thanh Thủy)

18h10, Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội: Thời tiết tại Thủ đô lúc này khá ấm áp, nhiệt độ vào khoảng 23 độ C. Từng dòng người tấp nập đổ về khu vực hồ Hoàn Kiếm, trung tâm thành phố để đón chờ giây phút chuyển giao năm mới, năm cũ.

Ngay từ buổi chiều, những con đường xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã đông đúc, xe cộ đi lại tấp nập. Đường phố được trang hoàng lộng lẫy, hoa tươi rực rỡ ven hồ. Tại vườn hoa Lý Thái Tổ, hàng trăm người dân chụp ảnh lưu niệm bên những cành đào, cây quất. Nhiều em nhỏ được bố mẹ đưa đi du xuân sớm mặc những bộ áo dài truyền thống xanh đỏ, đội khăn xếp.

Hồ Hoàn Kiếm nhộn nhịp chiều 30 Tết (ảnh: Hà Phương)

Cách khu vực trung tâm hồ Hoàn Kiếm vài tuyến phố, chợ hoa Hàng Lược chiều 30 Tết vẫn tấp nập người mua bán. Nhiều người dân mua vội những cành đào, cây quất về trang trí Tết.

Nhiều du khách nước ngoài tỏ ra vô cùng thích thú khi đến Việt Nam vào đúng dịp Tết cổ truyền. Chị Katherine Carter, đến từ nước Mỹ cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, thật may mắn vì đúng vào dịp Tết cổ truyền. Đường phố đông vui, rực rỡ. Đêm nay, tôi sẽ ở lại khu vực Hồ Gươm để ngắm pháo hoa đón năm mới”.

Anh Nguyễn Quốc Huy (Giảng Võ, Hà Nội) đưa gia đình đi chơi chiều 30 Tết tại hồ Hoàn Kiếm chia sẻ: “Gia đình tôi đến đây từ đầu giờ chiều, tranh thủ chụp ảnh lưu niệm dịp Tết Giáp Ngọ. Năm nào ở Hồ Gươm pháo hoa cũng rất đẹp, nên gia đình tôi luôn chọn nơi này là điểm đến đêm giao thừa”.

Khu vực Hồ Gươm có 2 điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa trên phố Đinh Tiên Hoàng (đối diện Bưu điện Hà Nội) và Lê Thái Tổ (đối diện báo Hà Nội mới). Cả 2 điểm đều có lực lượng bảo vệ túc trực.

18h00: Bên bữa cơm đầm ấm cùng gia đình chiều 30 Tết, anh Đặng Huy Thắng một doanh nhân bận rộn ở Hà Nội, cho biết: Do tính chất đặc thù công việc nên những ngày cuối năm anh phải tất bật giữa TP HCM và Hà Nội, giải quyết công việc, lo Tết cho nhân viên. Lễ lạt ngày Tết xong là anh tức tốc về Hà Nội để cùng đón Tết với bố mẹ.

Lập gia đình hơn 20 năm, đến nay sắp trở thành ông ngoại nhưng mỗi khi trở về mái ấm đại gia đình, ăn Tết với bố mẹ luôn là một thói quen anh Thắng chưa bao giờ phá vỡ. “Có năm, trong một chuyến công tác nước ngoài, tôi đã nghẹn ứa nước mắt ở sân bay nước bạn, mường tượng sẽ không kịp cùng gia đình ăn bữa cơm tất niên chiều cuối năm khi nghe thông báo máy bay khởi hành chậm vài giờ so với dự kiến. Lúc ấy trong tôi là một cảm giác hụt hẫng, cô đơn và nhớ nhà da diết”- Anh Thắng nói.

Chia sẻ về bữa cơm tất niên, bà Phạm Thị Đức cho hay, theo truyền thống gia đình cứ chiều 30 Tết trong đại gia đình bà con cái tề tựu đông đủ, ăn bữa cơm thân mật. Đây cũng là bữa cơm họp mặt duy nhất của đại gia đình để bàn những việc lớn như: giỗ chạp, cưới xin trong gia tộc…

Chiều 30, nhà nào cũng đều cố gắng chuẩn bị mâm cơm tất niên tươm tất (ảnh: Đỗ Hưng)

Thấy hàng xóm tất bật chuẩn bị làm cơm chiều 30 Tết, gia đình con cháu sum họp, lòng bà Lệ Luyến 72 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng càng thêm xót xa. Gần hai chục năm qua, bà Luyến vẫn lẻ loi một bóng, không hề được biết đến không khí sum vầy cùng con cháu bên mâm cơm tất niên ngày cuối năm do hoàn cảnh gia đình.

Trường hợp bà Ngọc Anh 55 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm lại là một hoàn cảnh khác. Vốn là một cô gái nhan sắc nhưng mải mê bận rộn công việc của một viên chức nhà nước, tuổi xuân qua đi lúc nào không hay. Bà Anh đành phải chấp nhận cuộc sống đơn thân. “Đón Tết một mình thấy trống trải và không khỏi chạnh lòng”- Bà Anh tâm sự.

Trong ký ức mỗi người Việt Nam khó có thể quên bữa cơm tất niên chiều 30 Tết, bữa cơm tiễn năm cũ để chuẩn bị đón một năm mới. Những thành viên trong gia đình: con cháu, dâu, rể cùng ông bà, bố mẹ cùng chuẩn bị mâm cơm, tôn kính trước bàn thờ gia tiên cẩn cáo với tổ tiên về thành quả tốt đẹp của một năm đã qua. Đồng thời, mời tổ tiên về nhà ăn Tết cùng gia đình, phù hộ cho con cháu sang năm mới mọi việc viên mãn, đủ đầy.

Sum họp trong bữa cơm tất niên từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt đẹp, là sợi dây kết dính tình thương yêu, đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình (ảnh: Đỗ Hưng)

Đoàn tụ bên mâm cơm tất niên không chỉ là hạnh phúc của mỗi cá nhân mà còn thể hiện truyền thống hiếu lễ trong mỗi gia đình. Trong chiều xuân ngày cuối năm, thoảng nhẹ hương trầm, mâm cơm có bánh chưng xanh rền, cá trắm kho, dưa hành, nem rán, canh măng, canh bóng hoa lơ… đưa đẩy chút men nồng, con cháu lần lượt chúc sức khỏe ông bà, bố mẹ. Mọi người thưởng thức món ngon cũng không quên lời khen bàn tay khéo léo chế biến của các mẹ, các chị. Trên hết, các thành viên trong gia đình thành kính thưa chuyện với người cao tuổi, chia sẻ về công việc, dặn dò, động viên con cháu… tràn trề tình yêu thương, hướng về một năm mới tốt lành.

Với mỗi người Việt Nam quanh năm đi làm ăn xa thì những ngày Tết đến, dù bận rộn thế nào đều cố gắng sắp xếp tốt nhất có thể để trở về quê hương, sum vầy trong trong không khí gia đình đầm ấm đón năm mới.Sửa soạn bữa cơm tất niên chiều 30 Tết cúng gia tiên từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt đẹp, là sợi dây kết dính tình thương yêu, đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình vào dịp Tết đến, Xuân về.
Bến xe phía Nam Hà Nội lúc 17h (ảnh: Quang Trung)
17h, tại bến xe Phía Nam, Hà Nội: Khác hẳn so với ngày thường bởi lượng khách đã giảm đáng kể. Không khí vắng vẻ bao trùm từ khu vực nhà chờ đến cổng ra vào. Khác với cách đây vài ngày khi lượng khách dồn tới để đi về quê ăn Tết thì tới chiều 30, chỉ còn vài người.

Số lượng xe phục vụ cho ngày cuối cùng của năm Âm lịch cũng giảm hẳn khi ở cổng ra cũng chỉ có 2 xe tới Nam Định và Thái Bình. Một nhân viên tại bến xe cho biết: “Hầu hết khách đã về quê cách đó mấy ngày, còn lại những người tới chiều 30 mới về thì hầu hết là do công việc. Tuy khách ít nhưng bến xe cũng sẽ phục vụ để hành khách cuối cùng có thể về quê đoàn tụ với gia đình”./.

Với mong muốn mang đến cho độc giả không khí đón Tết vui tươi, đầm ấm, Báo điện tử VOV thực hiện tường thuật trực tuyến với chủ đề “Giao thừa online: Xuân của niềm tin” bắt đầu từ từ 18h, ngày 30/1 (tức 30 Tết) đến 1h ngày 31/1 (tức mùng 1 Tết Giáp Ngọ 2014).

Các phóng viên, cộng tác viên của Đài TNVN (VOV) sẽ phản ánh một cách đầy đủ, sinh động và phong phú nhất về không khí đón Tết trên mọi miền đất nước cũng như kiều bào ta ở các nước trên thế giới. Quý độc giả cũng được nghe trực tiếp chương trình phát thanh đặc biệt phát trên các Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1), Hệ Văn hóa – Đời sống – Khoa giáo (VOV2), Hệ Âm nhạc – Thông tin – Giải trí (VOV3) của Đài TNVN.

Cùng với đó, đây cũng là nơi để các bạn có thể dành những lời chúc ý nghĩa tới người thân, bạn bè của mình hay gửi cho chúng tôi những hình ảnh, clip, câu chuyện bạn ghi được trong khi đón Giao thừa. Hãy gửi cho VOV online theo địa chỉ email: noidung@vovnews.vn hoặc phần “Ý kiến bạn đọc” dưới đây./.