Sáng 26/11 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức lễ tuyên dương các nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ ba năm 2015.

Theo đó, có 194 nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu đại diện cho hàng chục nghìn giáo viên của các cấp học được Bộ trưởng GD-ĐT tặng bằng khen. Đây  là những nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu có tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu. Nhiều thầy, cô giáo gần như gắn bó cả cuộc đời với công tác chăm sóc, dạy trẻ khuyết tật.

Tại lễ tuyên dương, nhiều đại biểu có dịp được biết đến những tấm gương nhà giáo hết lòng giảng dạy trẻ khuyết tật cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của của các thầy cô đối với sự nghiệp “trồng người”. 

Đó là nhà giáo Hoàng Thị Sành, trường Tiểu học Lê Văn Tám, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị hết lòng vì học trò. Trong suốt 2 năm học 2012-2013 và 2013-2014, cô Sành đã chăm sóc, dạy dỗ em Hà Văn Tài, một học sinh khuyết tật nặng. Em bị cụt hai cánh tay còn hai chân thì lại một chân ngắn, một chân dài nên di chuyển, vận động hết sức khó khăn.

Năm học 2012-2013, em Tài vào lớp 1, khi tới trường em rất mặc cảm nhưng đã được cô giáo chủ nhiệm Hoàng Thị Sành yêu thương, chăm sóc, hướng dẫn từng bước để tập kẹp bút và viết bằng chân. Nhờ sự ân cần, tận tụy của cô và sự động viện kích lệ của bạn bè, em Tài đã cố gắng, nỗ lực vươn lên hoàn cảnh để đến cuối năm lớp 1, em đã viết được bằng chân trái các chữ cái đơn giản.

tuyen_duong_nxmj.jpg
Các nhà giáo hết lòng vì học sinh khuyết tật 

Do không tự phục vụ được bản thân nên việc sinh hoạt của Tài ở trường, kể cả khi em đi vệ sinh cũng đều do cô Sành đảm nhiệm. Ngoài việc dạy văn hóa, cô Sành còn hướng dẫn Tài những kỹ năng cơ bản để em có thể sống tự lập, tự phục vụ, giảm sự phụ thuộc vào người khác một cách tối đa có thể.

Nhà giáo Nguyễn Thị Tố Lan, Giám đốc Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có 18 năm công tác trong lĩnh vực giáo dục trẻ khuyết tật. Cô đã tích cực tham mưu cho UBND huyện nâng cấp từ một cơ sở giáo dục chuyên biệt với số lượng học sinh ít ỏi thành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại một số vùng đất còn rất nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh.

Nhà giáo Võ Thị Hải Nam, trường THCS Hùng Vương, phường Tràng An, thành phố Huế với 17 năm liên tục tham gia dạy học sinh khiến thị và đã động viên 100% học sinh khiến thị trên địa bàn tới trường. Hay như nhà giáo Nguyễn Thị Nhật Quỳnh, trường Tiểu học Nam Trân, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam không chỉ là hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường mà cô đã dành nhiều thời gian để mang con chữ đến nhà dạy cho một học sinh bại liệt.

Hòa nhập cho trẻ khuyết tật khó khăn gấp bội

Đối với Giáo dục Mầm non, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khuyết tật có những khó khăn đặc thù so với các cấp học khác. Các cô giáo: Hà Ngọc Bích, giáo viên trường Mầm non Vân Nham, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; cô giáo Nguyễn Thị Điểm, giáo viên trường Mầm non Hoa Hồng, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ với lòng yêu nghề, mến trẻ, tận tụy đã vượt qua những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Trong số trẻ khuyết tật, có trẻ bị bại não, liệt co cứng nửa người, đi lại khó khăn, không tự phục vụ được; có trẻ tăng động, giảm trí nhớ, dễ bị kích động…, các cô đã gần gũi, yêu thương, dịu dàng và kiên nhẫn để rèn luyện khả năng vận động, tập trung chú ý, dạy các em kỹ năng tự phục vụ nên dần dần các em đã biết tự xúc ăn, tự lấy nước uống, biết lấy và cất đồ chơi trước và sau khi chơi. Nhiều em đã tự tin vào học lớp 1, các em không những theo kịp các bạn mà còn học được và học khá.

Việc tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ ở độ tuổi mầm non còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với trẻ khuyết tật người dân tộc thiểu số lại còn gian nan gấp bội phần. Các cô giáo Trần Thị Nhuần, giáo viên trường Mầm non Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên dạy trẻ khuyết ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ; cô Nguyễn Thị Lan Hồng, giáo viên trường Mầm non Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đều đã không quản ngại khó khăn, dành thời gian học thêm tiếng dân tộc, làm nhiều đồ chơi hấp dẫn để thu hút các em, tạo sự gần gũi trong giao tiếp và cảm giác an toàn khi đến trường, xóa đi sự lo lắng, mặc cảm cho các em, tạo được niềm tin với các bậc phụ huynh và nhân dân địa phương.

Tấm gương nhà giáo Đoàn Văn Ninh, trường Mầm non Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh là một giáo viên nam trong cấp học chủ yếu là nữ giới. Là một thầy giáo, việc dạy trẻ mầm non đã khó và trẻ mầm non khuyết tật lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và lòng yêu nghề mến trẻ, hơn 10 năm qua, thầy đã đến từng gia đình có trẻ khuyết tật để vận động cha mẹ đưa con đến  lớp.

Bằng những kiến thức tự học, tích lũy qua nhiều năm, tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình, thầy Ninh đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người cũng như của cộng đồng về trẻ khuyết tật.

Với suy nghĩ, nếu trẻ khuyết tật không được học hòa nhập tốt ở cấp học Mầm non thì khó có thể hòa nhập và học được ở các cấp học tiếp theo nên thầy đã tích cực, chủ động, tình nguyện bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp; hỗ trợ các thầy, cô giáo biết cách xây dựng Kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ khuyết tật để các em được học hòa nhập một cách tự nhiên, phù hợp và có chất lượng./.