Năm 2019, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định mới, thay đổi về cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT so với năm trước. Theo đó, điểm xét tốt nghiệp gồm điểm các bài thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp.

thi_sinh_6_vov_zxcj.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 

So với các năm trước, điểm xét tốt nghiệp năm 2019 thay đổi theo tỷ lệ 70% (bài thi THPT quốc gia) và 30% (điểm trung bình cả năm lớp 12), thay vì tỷ lệ 50% (bài thi THPT quốc gia) và 50% (điểm trung bình cả năm lớp 12). 

Tại Hội nghị "Công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (ĐH)" diễn ra sáng 17/7, quy định trên đã khiến các có trường ĐH băn khoăn. Ngoài ra, việc xét tuyển bằng học bạ và những dự kiến về việc thay đổi phương thức thi THPT Quốc gia cũng nhận được ý kiến đóng góp của các trường ĐH.

Chỉ cần 30% học sinh Yếu nhất thi tốt nghiệp THPT?

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT cho rằng, việc thay đổi về tỉ trọng tính điểm tốt nghiệp cùng những điều chỉnh trong cách thức tổ chức, cách ra đề thi nếu duy trì trong nhiều năm tới sẽ đảm bảo được sự ổn định.

Tuy nhiên, để phù hợp với lộ trình thay đổi của chương trình Giáo dục phổ thông mới diễn ra trong vài năm tới, khi các môn học thay đổi, việc thi cử cũng sẽ phải thay đổi theo.

Kỳ thi THPT Quốc gia nhằm 3 mục tiêu là xét tốt nghiệp; hỗ trợ để các trường tuyển sinh CĐ, ĐH; cung cấp số liệu đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương nhằm kịp thời đưa ra những giải pháp hỗ trợ.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT.

Với 3 mục tiêu như vậy, ông Trường Tùng cho rằng, trong tương lai cần phải xem xét để có một số thay đổi. Cụ thể, về việc xét tốt nghiệp THPT, hàng năm số lượng tốt nghiệp đều lên tới trên 90%. Điều này đã thành một thông lệ.

Ngay cả năm nay, khi thay đổi tỉ trọng xét tốt nghiệp 70-30, các tỉnh thấp nhất cũng có tỷ lệ tốt nghiệp trên 80%.

Trước tỷ lệ tốt nghiệp như trên, ông Lê Trường Tùng đề xuất có thể thay đổi cách thức không nhất thiết phải thi quá đông. Ví dụ, đối với các địa phương có thể chỉ tổ chức đánh giá cho 30% thí sinh có học lực Yếu theo danh sách của các trường nêu lên. Số còn lại ủy quyền cho địa phương đặc cách, xem xét cho tốt nghiệp THPT luôn.

“Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT bao giờ cũng trên 80%. Thậm chí, nhiều địa phương còn tiệm cận con số 100%. Các địa phương yêu cầu tất cả thí sinh đi thi là không cần thiết. Kết quả thi của 30% thí sinh có học lực Yếu là đủ số liệu đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương.

Tất nhiên có nhiều quan điểm không thi thì thí sinh sẽ không học. Nhưng để được vào nhóm 70% cũng là một động cơ khiến thí sinh phải học. Việc có thí sinh phải thi, có thí sinh không phải thi sẽ tạo cơ chế giám sát xã hội, đem lại sự công bằng trong học tập.

Mặt khác, khi không phải thí sinh nào cũng thi THPT Quốc gia sẽ là áp lực đẩy các trường đại học vào thế cần tự chủ tuyển sinh hơn nữa”, ông Lê Trường Tùng nêu quan điểm.

Bộ GD-ĐT vẫn nên cầm trịch việc ra đề thi

Đóng góp vào việc tổ chức kỳ thi  THPT Quốc gia, ông Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục lại cho rằng, không nên đổi mới quá nhiều để đảm bảo uy tín của ngành Giáo dục.

Ông Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục. 

Phương thức thi THPT Quốc gia tương đối ổn và nên duy trì trong 1 đến 2 năm tới. Nếu có sự thay đổi thì chỉ là sự điều chỉnh nhỏ, chứ không nên thay đổi cả phương thức thi.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó giám đốc ĐH Y Hà Nội cũng đóng góp ý kiến, nếu chúng ta quay lại thời kỳ trước đây để các trường tự ra đề, tự tổ chức thi sẽ nảy sinh rất nhiều tiêu cực. Vì vậy, dù có tổ chức chung hay riêng thì khâu ra đề trong nhiều năm tới cũng không nên để các trường tự lo. Việc này không có trường nào làm tốt hơn là Bộ GD-ĐT.

Xem lại việc xét tuyển ĐH bằng học bạ THPT

Điểm thi THPT Quốc gia đã được nhiều trường ĐH, CĐ tin tưởng để lấy đó làm căn cứ thực hiện xét tuyển. Ngoài ra, hiện cũng có trường ĐH lấy kết học bạ cấp THPT của học sinh để tuyển sinh.

Tuy nhiên, với phương thức xét tuyển bằng học bạ, ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, chính sách xét tuyển học bạ hiện nay vẫn chưa được các trường ĐH tốp trên tin tưởng. Mặc dù theo thông lệ thế giới cũng xét theo học bạ, nhưng dường như các trường chưa thực sự tin vào kết quả đánh giá ấy.

“ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đặt ra vấn đề khi so sánh kết quả xếp loại học bạ và kết quả thi THPT Quốc gia. Ví dụ một trường có 90% học sinh đạt loại Khá giỏi nhưng kết quả THPT liệu có đạt được 90% Khá giỏi không. Đây là một chỉ số tốt để Bộ GD-ĐT có thể làm căn cứ cũng như để các cơ sở đào tạo xem xét lại, trên cơ sở đó sẽ tin tưởng và yên tâm hơn vào sự chuẩn xác của chính sách xét tuyển học bạ”, ông Đình Đức băn khoăn./.