Ngay sau khi Sở Y tế Hà Nội trao Giấy khen vì "hành động dũng cảm tố cáo hành vi sai phạm tại BVĐK Hoài Đức" cho 3 cán bộ của bệnh viện là chị Hoàng Thị Nguyệt, chị Phan Thị Nam Đông và chị Khuất Thị Định, dư luận đã phản ứng về sự tưởng thưởng này. Nhiều người cho rằng, số tiền 320.000 đồng không xứng đáng với thành tích của các chị, cũng như băn khoăn trước buổi lễ diễn ra theo kiểu “phải phép”.

tang-bang-khen-3-y-ta-bv-hoai-duc.jpg

Thật ngạc nhiên khi trước sự dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực của các cán bộ y tế được cả xã hội quan tâm nhưng lại được Sở Y tế Hà Nội tổ chức một lễ khen thưởng tẻ nhạt và thiếu trang trọng khi thiếu các nghi thức tặng hoa, chúc mừng những người được thưởng, để ghi nhận thành tích của họ. Điều này cho thấy có vẻ Sở Y tế Hà Nội miễn cưỡng khen thưởng, cho dù lãnh đạo Sở luôn khẳng định việc tố cáo là chính xác và “xứng đáng khen thưởng”.

“Của cho không bằng cách cho”, buổi khen thưởng đã khiến dư luận bức xúc.

Phân tích trở lại diễn biến vụ việc, để thấy rằng, nói Sở Y tế không mặn mà với việc khen thưởng những người tố cáo là có lý do. Theo những người tố cáo, họ đã gặp Sở Y tế Hà Nội để báo cáo vụ việc từ tháng 10/2012 và đến 20/5/2013, các chị tiếp tục gửi đơn đến Thanh tra Sở Y tế Hà Nội. Nhưng chỉ khi Công an Hà Nội vào cuộc hồi đầu tháng 6/2013, vụ việc mới được phơi bày ra ánh sáng. Như vậy, chứng tỏ Sở Y tế Hà Nội đã không muốn làm rõ vi phạm của BVĐK Hoài Đức, dù đã biết vụ việc từ rất lâu.

Khi Công an Hà Nội chính thức báo cáo kết quả điều tra vụ việc, cả Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đều chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội có hình thức biểu dương, khen thưởng các cá nhân dũng cảm đấu tranh nêu trên và báo cáo trước ngày 15/8. Thế nhưng, ngày 14/8, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở vẫn chưa làm các thủ tục khen thưởng, vì đây là vấn đề “nhạy cảm”, nên còn xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Không hiểu ông Hiền cần "xin ý kiến" gì nữa, khi chính Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo khen thưởng?! Chính vì thế, ngay hôm sau, các báo đồng loạt lên tiếng về việc chưa khen thưởng, đồng thời, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu Bộ Y tế, UBND TP. Hà Nội và Công an Hà Nội báo cáo Thủ tướng về vụ việc trước ngày 20/8/2013. Có lẽ, đây chính là sức ép buộc Sở Y tế Hà Nội phải tổ chức việc trao thưởng vào sáng 16/8. Và đó cũng lý giải vì sao, lễ trao thưởng lại “nhạt nhẽo” thế.

Bên cạnh đó, dư luận bức xúc còn vì số tiền thưởng 320.000 đồng cho những người chống tiêu cực. Chắc chắn, khi đứng ra tố cáo vi phạm, cả 3 chị Nguyệt, Đông và Định đều không nghĩ đến chuyện được khen, càng không nghĩ tới vấn đề tiền thưởng. Nhưng không hiểu Sở Y tế Hà Nội áp dụng theo quy định nào để đưa ra mức thưởng 320.000 đồng, mà một số báo gọi là “xúc phạm người chống tiêu cực”? Bởi theo Nghị định 42/2010 quy định chi tiết Luật Thi đua khen thưởng, khi được tặng Giấy khen, người được khen thưởng sẽ được nhận số tiền bằng 0,3 mức lương tối thiểu, mà mức lương tối thiểu hiện đã là 1,15 triệu đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, Sở Y tế Hà Nội áp dụng hình thức khen thưởng với 3 người chống tiêu cực là chưa đúng. Vì theo Thông tư liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP của Bộ Nội vụ - Thanh tra Chính phủ ngày 6/5/2012 “Quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng”, thì người “Đã tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 1, 2, 3, 6, 8 - Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng) mà giá trị tài sản thu hồi theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng (đối với trường hợp tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản)” sẽ được tặng Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể TƯ. Thông tư cũng quy định mức thưởng: Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể T.Ư được thưởng: 10 lần mức lương tối thiểu chung; Giấy khen được thưởng: 03 lần mức lương tối thiểu chung. Như vậy, căn cứ vào Thông tư này, với số tiền tham nhũng bước đầu được làm rõ là khoảng 60.000.000 đồng, ít nhất những người tố cáo phải được nhận Bằng khen của UBND TP. Hà Nội kèm theo mức thưởng bằng 10 lần mức lương tối thiểu (1,15 triệu đồng). Không hiểu Sở Y tế Hà Nội áp vào quy định nào, để trao Giấy khen, mà lại với mức thưởng 320.000 đồng, nên đã sai cả về hình thức lẫn số tiền thưởng.

Đó là chưa kể, nếu muốn động viên khuyến khích, Sở Y tế Hà Nội hoàn toàn có thể thưởng “nóng” cho các chị. TP. Hồ Chí Minh quy định: người phát hiện và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ tham nhũng… sẽ được nhận bằng khen, giấy khen và tiền thưởng; ngoài ra, còn được thưởng đột xuất từ 1 - 10 triệu đồng. Ở Đà Nẵng, chỉ cần phát hiện và báo về việc có người ăn xin, "chém chặt" du khách, đã được thưởng 200.000 đồng, còn phát hiện đổ rác thải bừa bãi cũng được thưởng “nóng” 1 triệu đồng.

Diễn biến của việc khen thưởng nêu trên là minh chứng về thái độ của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đối với việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Vì thế, nhiều người không khỏi âu lo cho những người tố cáo. Bởi ngay việc khen thưởng đã có sự chỉ đạo cụ thể còn bị trì hoãn, thì những vấn đề liên quan đến số phận của họ, sẽ ra sao?./.