Theo đó, hai trường đại học này sẽ sớm thúc đẩy các chương trình trao đổi từ năm học 2022-2023. Mỗi kỳ học, mỗi trường sẽ gửi 10 sinh viên xuất sắc sang trường đại học đối tác để theo học một khóa trao đổi, trong đó gồm cả trải nghiệm văn hóa và môi trường địa phương. Các sinh viên sau đó có thể có cơ hội tham gia thực tập tại các start-up phù hợp với mong muốn.

Israel được coi là một quốc gia khởi nghiệp với hơn 6.000 công ty start-up. Trong khi đó, Việt Nam với 98 triệu dân, là một thị trường phát triển nhanh và năng động ở châu Á, được xếp hạng vào nhóm 11 quốc gia đạt hiệu suất toàn cầu vượt trội vào năm 2018.

Hai bên cũng sẽ thiết lập các chương trình trao đổi cán bộ, giảng viên - họ sẽ tới thăm, giảng dạy và tư vấn tại trường còn lại trong một thời gian cụ thể. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng khuyến khích hợp tác dự án nghiên cứu giữa các cá nhân và đơn vị hai bên.

Hợp tác giữa hai trường đại học được kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi và sáng tạo cho sinh viên cũng như cán bộ, giảng viên hai trường phát triển học thuật và nghiên cứu.

Viện Công nghệ Israel (Technion), nằm tại thành phố Haifa, phía bắc Israel bên bờ Địa Trung Hải, là trường đại học lớn nhất Israel trong lĩnh vực công nghệ và khoa học, với 18 khoa và hơn 50 chương trình học, chủ yếu với các chuyên ngành khoa học công nghệ, máy tính, y tế và kiến trúc. Technion hiện có hơn 200 thỏa thuận hợp tác với các trường trên khắp thế giới. Trường nằm trong Top 10 các trường đại học sáng tạo nhất thế giới theo một bảng xếp hạng năm 2017. Các thành viên của Technion cũng đã được trao 3 giải Nobel về hóa học./.