Còn hơn 1 tháng nữa là đến thời điểm học sinh lớp 12 trên cả nước đăng ký dự thi Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017. Tuy nhiên, hiện thí sinh vẫn rất lo lắng về phương thức thi trắc nghiệm và những thay đổi trong xét tuyển đại học, cao đẳng.
thi_dai_hoc_1_sqcx.jpg
Các trường trực tiếp tư vấn, giới thiệu cho thí sinh và phụ huynh về ngành nghề đào tạo.
“Những ngành học nào đang có cơ hội việc làm tốt”, “Trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng, em có thể thay đổi trường, ngành của nguyện vọng 1, 2 được không”, “Điểm xét nguyện vọng 2 có cao hơn nguyện vọng 1 hay không”, “Cách làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội” ...
Đó là những câu hỏi mà các học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Hà Nội đặt câu hỏi với các chuyên gia tại khu vực tư vấn ngành nghề chuyên sâu. Những vấn đề này cũng đang là nỗi băn khoăn, lo lắng của hầu hết thí sinh trước kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay. Lê Tuyết Mai, học sinh lớp 12, Trường THPT Ngọc Hồi (Hà Nội) cho biết, dù đã tìm hiểu về Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế xét tuyển đại học năm 2017 nhưng em vẫn rất lo lắng vì hình thức thi và xét tuyển có nhiều thay đổi. Vì vậy, em muốn được các chuyên gia trực tiếp tư vấn, giải đáp những thắc mắc trong kỳ thi sắp tới.
Em Lê Tuyết Mai lo lắng cho biết: “Bộ thay đổi cách thức thi, cách thức tuyển sinh khiến em hơi sợ. Em chỉ thi khối A là Toán, Lý, Hóa thì năm nay em phải ôn cả Sinh nữa bởi vì tổ hợp tự nhiên phải thi cả Sinh nữa nên hơi sợ. Toán đã đổi sang trắc nghiệm, kiến thức sẽ rộng hơn so với thi tự luận. Năm lớp 10 đã ôn theo kiểu bộ bài tự luận, bây giờ đổi sang trắc nghiệm phải ôn lại rất nhiều. Em thấy hình thức thay đổi của Bộ để tốt cho học sinh, nhưng mà nếu thay đổi quá mà liên tiếp qua các năm học sinh sẽ bị choáng”.
Năm nay thí sinh phải đăng ký xét tuyển đại học cùng thời điểm với đăng ký thi THPT quốc gia, nên việc lựa chọn ngành, trường để đăng ký xét tuyển khi chưa có điểm thi khiến nhiều thí sinh và phụ huynh bối rối. Dù các trường đại học đã công bố thông tin tuyển sinh trên website của trường, nhưng điều mà thí sinh băn khoăn nhất là ngành học mà các em lựa chọn có phù hợp với năng lực, sở thích hay không.
Em Hoàng Minh Nguyệt, lớp 12, Trường THPT Triệu Quang Phục, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên nói: “Em đến để nghe thông tin tư vấn, xem mình chọn trường nào phù hợp nhất. Em học khối A1, Toán, Lý, Anh. Em thích nhiều trường lắm, nhưng trường phù hợp nhất với mình thì em chưa chọn được. Em thấy khó trong cách chọn trường, về việc làm sau này, còn điểm thi của mình nữa, không biết là liệu có đỗ được trường mình muốn không. Em cũng nghe tư vấn của mọi người, đăng ký vào một số trường để anh chị gửi thông tin tư vấn về cho em”.

Học sinh tham quan gian hàng của các trường đại học, cao đẳng tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp.
Do kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng có nhiều thay đổi, nên nhiều phụ huynh có con đang học lớp 11 cũng trực tiếp tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.
Chị Nguyễn Thị Thành, ở Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: “Cháu đang học lớp 11, tôi đi xem để định hướng cho con, nếu con chọn ngành nghề như thế thì môn học của con đã phù hợp chưa. Nếu có thay đổi, đến năm học tới thay đổi dễ hơn. Chốt năm lớp 11 này các bạn phải học cái gì, ôn cái gì nên có định hướng ngay từ bây giờ, chứ đến lớp 12 có thể quá muộn”.
Giải đáp những băn khoăn của thí sinh về chọn trường, chọn ngành khi đăng ký xét tuyển, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, năm nay có nhiều điểm thay đổi trong xét tuyển đại học, cao đẳng nhưng đều hướng đến mục tiêu tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất cho thí sinh. Thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường khác nhau theo thứ tự ưu tiên.
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết: “Năm nay các em được phép đăng ký không hạn chế số nguyện vọng. Khi đăng ký như vậy các em phải để thứ tự ưu tiên từ 1 đến n, tức là nguyện vọng đầu tiên là ưu tiên cao nhất. Việc xét các nguyện vọng trong đăng ký là bình đẳng, ví dụ một ngành nào đấy có 1 em đăng ký nguyện vọng 1, 1 em đăng ký nguyện vọng 2 và một em khác đăng ký nguyện vọng 3, cả 3 em được xét ngang nhau, em nào điểm cao sẽ có lợi thế hơn. Mặc dù Bộ yêu cầu các em phải đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi. Tuy nhiên, sau khi có kết quả thi, các em có quyền điều chỉnh lại nguyện vọng của mình”.

Ông Trần Văn Nghĩa cũng lưu ý, dù được đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường khác nhau nhưng thí sinh nên căn cứ vào năng lực ở trường trung học phổ thông, sở thích, thông tin về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mà các trường công bố để chọn ngành, trường phù hợp, hạn chế tình trạng phải chỉnh sửa nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có điểm thi./.