Một tuần đã trôi qua kể từ thời điểm chiếc xe Invova 7 chỗ chở 7 người bị lũ cuốn tại Khe Ang (Nghĩa Đàn- Nghệ An) khiến 5 người thiệt mạng, nhưng dư âm của vụ tai nạn thương tâm vẫn chưa vơi đi. Nhìn lại sự việc, chính người trong cuộc còn sống cũng như dư luận chẳng thể nói gì hơn ngoài câu “giá như”!

Giá như người lái xe là ông Trương Văn Thái (SN 1954) tuân thủ và ý thức được sự nguy hiểm phía trước khi barie với biển báo “ngập tràn cấm qua lại” đã được hạ xuống, người gác chắn đã ra hiệu không cho xe lưu thông, thì chiếc Innova đã không bị dòng nước xiết lôi bật khỏi đập tràn, để rồi nhanh chóng chìm nghỉm sau đó.

lu-1.jpg
Chiếc xe 7 chỗ nổi lên khi nó mắc vào những bụi cây rậm rạp bên dòng Khe Ang

Tai nạn xảy ra, ông Thái và ông Ngọ kịp thoát thân. Nhưng 5 người mắc kẹt bên trong (gồm vợ ông Ngọ, bà thông gia, con gái ông Ngọ và 2 cháu nhỏ) đã không có được cơ hội đó. Sau gần 3 ngày tìm kiếm với nỗ lực của hơn 350 người, chiếc xe cùng thi thể 4 người mới được phát hiện cách hiện trường khoảng 500m. Xác nạn nhân cuối cùng được vớt lên, cách nơi gặp nạn chừng 80 km xuôi theo dòng nước vào ngày 23/9.

Theo lời khai của tài xế Thái, sau khi thoát chết, biết mình đã gây ra hậu quả nghiêm trọng nên tới cơ quan công an đầu thú. Ông Thái bị khởi tố, bắt tạm giam theo luật hiện hành.

Ông Thái là cán bộ thanh tra sở GTVT Nghệ An chuẩn bị nghỉ hưu thì hơn ai hết, ông Thái nắm rõ những quy định về an toàn giao thông. Tuy nhiên, ông lại chẳng nghĩ đến sự an nguy của 7 con người, trong đó có ông khi cố tình lách barie và phớt lờ cảnh báo từ phía người gác chắn. Câu chuyện về đạo đức người lái xe lại một lần nữa lại được đặt ra.

Còn nhớ, sau hàng loạt vụ tai nạn kinh hoàng, vào cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Đinh La Thăng đã phải báo cáo, giải trình trước Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về công tác bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong nhiều vấn đề được nêu ra tại phiên chất vấn thì vấn đề ý thức, đạo đức người lái xe cũng được nhiều ý kiến đặt vấn đề và đề nghị vị tư lệnh ngành nêu giải pháp. Bởi lẽ, ngoài yếu tố cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng xe thì sự an toàn hay không phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề, trách nhiệm, đạo đức người lái xe.

Những năm gần đây các trung tâm đào tạo lái xe ồ ạt ra đời, nhiều nơi việc học hành thi cử rất hời hợt, cấp bằng lái xe dễ dãi. Không ít trường dạy lái xe chỉ cốt làm cho học viên biết lái, chạy được xe trên đường là có bằng, trong khi đó chuyện đào tạo, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho người lái xe liên quan đến sinh mạng an toàn của nhiều người lại không được quan tâm.

Người lái xe giữ vai trò quyết định trong việc sử dụng trọng tải và hành trình xe chạy, đảm bảo an toàn kỹ thuật, tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Do đó, nội dung về ý thức, đạo đức, kinh nghiệm lái xe trong thực tế trong chương trình đào tạo hơn lúc nào hết phải được coi trọng đúng mức, nhằm tránh đi những tai nạn thương tâm và thảm khốc.

Ý thức, trách nhiệm của người cầm vô lăng từ vụ chiếc xe ô tô cùng 5 mạng người cả già lẫn trẻ bị nhấn chìm thực sự là một bài học, là cái giá quá đắt!./.