Năm học mới này, toàn huyện Tu Mơ Rông có 33 trường học ở 3 bậc Mầm non, Tiểu học và THCS, với 8.511 học sinh ở 423 lớp.
Chuẩn bị cho năm học mới, ngành giáo dục huyện Tu Mơ Rông đã đầu tư hơn 4,7 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học. Ngoài ra, các xã đã hỗ trợ kinh phí và vận động nhân dân tiến hành sửa chữa các phòng học tạm, phòng học cấp 4 đã xuống cấp, làm cầu treo để học sinh đi học an toàn trong mùa mưa bão.
Tuy được đầu tư khá nhiều nhưng cơ sở vật chất phục vụ cho năm học mới vẫn là khó khăn hàng đầu của huyện Tu Mơ Rông. Huyện còn nhiều phòng học tạm tranh tre nứa lá, thiếu nhà ở cho giáo viên, nhà ở bán trú cho học sinh…
Học sinh ở huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) vất vả đến trường trong mùa mưa bão |
Theo thống kê, toàn huyện còn thiếu khoảng 120 cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó, đường sá đi lại khó khăn. Đặc biệt, điều lo ngại nhất của Tu Mơ Rông trong năm học mới 2010-2011 là thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài, đường giao thông đi lại trong mùa mưa khó khăn; điều kiện kinh tế, đời sống của nhân dân trong huyện còn nghèo nên việc đầu tư, lo cho con em trong học tập hạn chế; ý thức học tập của học sinh còn thấp… nên việc duy trì sỹ số là thách thức lớn cho ngành Giáo dục huyện. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên chưa đạt chuẩn còn cao; một số cán bộ quản lý và giáo viên bậc học Mầm non, Tiểu học năng lực chuyên môn còn yếu (chiếm 11,4%); bậc học mầm non và tiểu học còn 78 phòng học tạm, học nhờ không đảm bảo an toàn vệ sinh cho học sinh đặc biệt trong mùa mưa bão.
Thầy Nguyễn Văn Lý- Hiệu trưởng Trường THCS xã Đăk Sao lo ngại, trên địa bàn xã, các cầu treo bắc qua suối chưa được xây dựng nên học sinh đến trường vào mùa mưa rất khó khăn, nhất là ở làng Kon Cung, Đăk Giá, Năng Nhỏ 1, 2. Chính vì vậy nên việc duy trì sỹ số là nỗi lo của trường trong năm học mới này. Bên cạnh đó, điều kiện ăn ở của giáo viên thiếu thốn, nhất là về nước sinh hoạt, phòng ở của giáo viên. Tuy vậy, nhà trường và đội ngũ cán bộ giáo viên sẽ quyết tâm cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm học.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn ngành giáo dục Tu Mơ Rông sẽ nỗ lực khắc phục tiếp tục đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý giáo dục; triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, thực hiện tốt cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Để năm học mới 2010-2011 ở huyện Tu Mơ Rông đạt hiệu quả và chất lượng, cần có sự phối hợp giữa chính quyền, nhân dân, toàn xã hội, nhất là các gia đình cần có sự quan tâm, tạo điều kiện cho con em học tập./.