Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các trường THCS-THPT Tạ Quang Bửu, THCS-THPT Lương Thế Vinh hoàn trả lại các khoản phí đã thu trong trường hợp học sinh rút hồ sơ. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, trường Lương Thế Vinh chỉ trả lại 2 trong số hơn 6 triệu đồng đã thu trước đó. Đặc biệt, những trường hợp rút hồ sơ trước ngày Sở ra thông báo sẽ không được hoàn lại tiền.

luong_the_vinh_2_bmbs.jpg
Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh chỉ trả lại 2 trong số hơn 6 triệu đã thu khi học sinh rút hồ sơ. 

Có mặt tại trường Lương Thế Vinh sáng ngày 5/7, bà Đ.T.T (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Đây đã là lần thứ 2 tôi đến trường để rút hồ sơ và lấy lại khoản tiền đã đóng nhưng không được. Nhà trường chỉ trả hồ sơ chứ không đồng ý trả tiền. Trường giải thích rằng chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội ra ngày 3/7, nên chỉ những phụ huynh rút hồ sơ sau ngày này mới được nhận lại tiền”.

Một phụ huynh khác cũng cho biết, chỉ được nhận lại 2 triệu đồng sau khi rút hồ sơ, dù trước đó đã đóng hơn 6 triệu đồng. Phụ huynh này cho rằng, thật vô lý khi con không học tại trường nữa nhưng vẫn phải đóng các khoản như tiền học phí, tiền xây dựng trường.

Liên quan đến sự việc này, ngày 5/7, PV VOV.VN đã có  cuộc trao đổi với bà Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng trường THCS-THPT Lương Thế Vinh.

Bà Dương cho biết: “Việc thu phí ngay khi nộp hồ sơ được trường áp dụng từ năm 2017, sau khi học tập cách làm từ những trường bạn. Đây là cách để phụ huynh phải suy nghĩ thực sự nghiêm túc khi nộp hồ sơ vào trường. Như thời còn ở cơ sở số 93 Cầu Giấy, có năm trường lấy 300 chỉ tiêu, nhưng phải thu hơn 400 hồ sơ. Phụ huynh và nhà trường không có bất cứ ràng buộc nào. Nhiều người dù biết chắc mình có khả năng đỗ trường công lập, nhưng vẫn giữ chỗ với tâm lý nhỡ đâu”.

Bà Dương cho hay, khi tuyển sinh, nhà trường đã có thông báo trên website, dán ở cổng trường nêu rõ về mức điểm nộp hồ sơ, những giấy tờ cần nộp cho trường. Đặc biệt, nhà trường cũng đã lưu ý rằng phụ huynh cần cân nhắc kĩ trước khi nộp hồ sơ, trường sẽ không trả lại kinh phí nếu phụ huynh rút hồ sơ như một thỏa thuận giữa hai bên.

Số tiền không trả lại kia sẽ được chuyển sang Quỹ khuyến học của nhà trường.

“Cách làm của Lương Thế Vinh là coi phụ huynh, học sinh như đối tác chiến lược, không phải khách hàng đơn thuần. Bởi vậy chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ. Khi tuyển sinh, câu hỏi đầu tiên tôi hỏi các phụ huynh là con được bao nhiêu điểm.

Câu thứ 2 là NV 1 đăng ký vào trường nào. Ví dụ phụ huynh nói con được từng này điểm, nguyện vọng vào THPT Kim Liên, hay Chu Văn An, tôi nói luôn rằng mức điểm này chắc chắn đỗ.  Nhiều phụ huynh nói rằng dù đỗ vẫn muốn cho con vào học Lương Thế Vinh.

Tôi luôn hỏi anh chị đã đọc kỹ thông báo chưa? Khi anh chị đã nộp rồi rút ra, tức là công tác tuyển sinh của trường rất khó khăn. Tôi cũng đã nói luôn rằng khi rút hồ sơ, phụ huynh phải có đơn, để nhà trường rà soát lại hồ sơ và không thể phục vụ ngay trong 10-15 phút. Mọi phụ huynh đều đồng ý, nhưng đến khi rút ra thì lại bất mãn”, bà Dương cho biết.

Nói rõ hơn về cách làm này, Phó Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh chỉ rõ, thực tế tỷ lệ hồ sơ ảo của các trường ngoài công lập rất cao. Nếu trường không yêu cầu phụ huynh đóng phí, sẽ không có bất cứ sự ràng buộc nào, phụ huynh có thể rải hồ sơ khắp các trường và rút “loạn” lên khi trường công lập có điểm chuẩn.

“Chỉ đạo của Sở khiến mọi việc lộn xộn”?

Cũng theo bà Văn Thùy Dương, sau khi nhận được văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhà trường tổ chức họp Hội đồng quản trị để đưa ra quyết định xử lý liên quan đến yêu cầu trong công văn.

Tuy nhiên, trường chỉ trả lại kinh phí những trường hợp xin rút từ ngày 3/7 trở đi bao gồm tiền đồng phục, tiền vở, tiền sách, học sinh không dùng nhà trường sẽ trả. Tổng của số tiền các khoản này khoảng 2 triệu đồng.

Số tiền còn lại, nhà trường vẫn phải giữ vì ngay từ đầu đã quy định như vậy và số tiền này để sung Quỹ khuyến học. 

Bên cạnh đó, bà Dương cũng thẳng thắn cho rằng, mọi khoản đóng góp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh đều là thỏa thuận dân sự".

“Trường ngoài công lập có 5 điều cần tự lo là: tuyển sinh, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục, tài chính, đội ngũ giáo viên. Những trường ngoài công lập có tiếng đếm trên đầu ngón tay, họ phải lo chu toàn tất cả mới có thể tuyển sinh. Sở không lo cho các trường về tài chính, đến khi trường không thể tuyển sinh, Sở có đem học sinh đến cho các trường”? bà Dương đặt câu hỏi.

“Trên rải thảm, nhưng dưới rải đinh, quả thực rất khó cho chúng tôi. Trường Lương Thế Vinh không mờ ám trong bất cứ thứ gì. Khi có yêu cầu của Sở mới tạo nên những lộn xộn, dù trước đó, chúng tôi đã có những thỏa thuận với nhau rất rõ ràng”, bà Dương nhấn mạnh.

Bà Văn Thùy Dương cũng đặt ra câu hỏi, tại sao nhiều phụ huynh chấp nhận theo thỏa thuận ban đầu là có thể mất một khoản tiền để giữ chỗ ở những trường ngoài công lập?

Một nguyên nhân được vị Phó hiệu trưởng nhà trường đưa ra là điểm chuẩn năm nay có nhiều biến động. Nếu như năm 2017, phải 54 điểm mới đỗ vào trường chuyên THPT Chu Văn An, thì năm nay, điểm chuẩn đã tụt xuống còn 51,5 điểm, ngoài sức tưởng tượng của phụ huynh. Tuy nhiên, mọi thông tin về phổ điểm đều không được công bố, dẫn đến phụ huynh “đói” thông tin.

“Theo tôi, nếu muốn tình trạng này dừng lại, sau khi báo điểm thi cho thí sinh, Sở nên thống kê, thông báo về số chỉ tiêu vào từng trường, phổ điểm cụ thể để phụ huynh tính được con mình đang đứng ở vị trí nào. Các trường ngoài công lập cũng căn cứ vào đó để tuyển sinh và đưa ra mức điểm chuẩn”, bà Dương phân tích./.