Nội dung này được đưa ra tại Hội nghị báo cáo thực hiện nhiệm vụ và công tác chuẩn bị năm học mới 2016-2017, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM tổ chức sáng 18/8.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm dạy thêm, học thêm trong trường học bắt đầu từ năm học này là quá vội, cần có lộ trình phù hợp. Bên cạnh đó, kết quả thi tiếng Anh trong các kỳ thi còn quá thấp trong khi đây là công cụ để hội nhập giáo dục.
Giáo viên, học sinh của Việt Nam cũng rất ít khi đọc sách, đọc tài liệu bằng ngoại ngữ. Về xu thế giáo dục thế giới, có đại biểu cho rằng cần dừng ngay việc chấm điểm theo hình thức. Nhiều vấn đề khác cũng được đề cập trong hội nghị như: tình trạng bạo lực nhà trường, hay mức thu học phí của nhiều trường vẫn còn cao...
Phụ huynh chờ đợi để nộp hồ sơ cho con học ở trường Mầm non Sơn Ca tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM |
Đáng quan tâm là từ năm học 2016 – 2017, thành phố sẽ thí điểm giữ trẻ đến 17h30 và cả ngày thứ bảy tại một số trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất như Trường mầm non 30/4 ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân; Trường mầm non khu chế xuất Linh Trung 1, Trường mầm non khu chế xuất Linh Trung 2, quận Thủ Đức. Hiện một số quận, huyện vẫn còn có những khó khăn do dân cư tăng nhanh nên mạng lưới trường lớp dù được đầu tư xây dựng, sửa chữa nhưng số học sinh ở mỗi lớp vẫn khá cao.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, năm học 2016-2017, thành phố có khoảng 1,55 triệu học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông với hơn 2.000 trường học. Năm học này, thành phố đã có thêm hơn 2.000 phòng học mới được đưa vào sử dụng.
Ông Lê Hoài Nam cho biết, một số quận có học sinh tăng cao như Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, Quận 12 thì thành phố sẽ tập trung xây dựng trường lớp nhiều ở những nơi này. Thành phố cũng đẩy mạnh công tác quy hoạch trường lớp đảm bảo đến 2020 có 300 phòng học/10.000 dân, đảm bảo giảm sĩ số học sinh trên lớp và dạy 2 buổi/ngày./.