Tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2016-2017 do Bộ GD-ĐT Hà Nội diễn ra sáng 5/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội có 2.622 trường học với trên 9.000 phòng học và 1,7 triệu học sinh.
Tuy nhiên, việc phân bố các trường không đồng đều nên các trường ở khu vực nội thành vẫn quá tải học sinh. Ở khu vực ngoại thành, nhiều trường không quá 20 học sinh/phòng học. Chất lượng giáo dục của thành phố đã nâng lên nhưng chất lượng dạy học ở các quận huyện, trường học không đồng đều, tình trạng học trái tuyến còn nhiều, tồn tại tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan…
Hà Nội tăng học phí ở các cấp học như thế nào?
Để nâng cao chất lượng giáo dục, trong những năm qua, UBND TP Hà Nội đã cùng với Sở GD-ĐT thủ đô và các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên; tăng cường nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để giảm thời gian làm thủ tục tuyển sinh bằng việc bắt đầu từ năm học 2016-2017 áp dụng đăng ký trực tuyến tuyển sinh đầu cấp ở lớp 1 và lớp 6.
Ngoài ra, từ ngày 1/9, Sở GD-ĐT Hà Nội và các trường học có thể áp dụng quản lý học bạ, quản lý điểm số học tập của học sinh thông qua hệ thống Internet….
Để thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2016-2017 và nâng cao chất lượng giáo dục của thủ đô, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề xuất lên Chính phủ, Bộ GD-ĐT 9 giải pháp quan trọng, có tính đột phá.
Theo đó, các giải pháp bao gồm: Thành phố Hà Nội đề xuất quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn; Có chương trình chuẩn để hàng năm đào tạo nâng cao trình độ giáo viên và tiêu chuẩn hóa trình độ giáo viên các cấp; Tăng cường giáo dục CNTT trong dạy học, nên đưa chương trình CNTT vào dạy từ bậc Tiểu học; Đẩy mạnh học Tiếng Anh; Bộ GD-ĐT cần có chương trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 chuẩn bị vào lớp 10; Cơ chế tự chủ tài chính cho các trường đại học để trên cơ sở đó nhà trường có thể thúc đẩy phát triển giáo dục; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo; Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và những ngành mũi nhọn phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trong trường học, trong đó ưu tiên nâng cấp, sửa chữa, xây mới các nhà vệ sinh ở trường học./.