Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề xuất phương án tổ chức kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022. Theo đó thời gian làm bài các môn thi sẽ giảm để phù hợp với việc thi 2 bài thi/1 buổi. Riêng với môn Tiếng Anh, thời gian làm bài giảm từ 60 phút xuống còn 45 phút so với các năm thi trước. Số câu hỏi cũng giảm xuống chỉ còn 30 câu để phù hợp với thời gian làm bài.
Nhận xét về đề tiếng Anh, thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên môn Tiếng Anh, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, nội dung đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 9 với mức độ “nhẹ nhàng”, thí sinh chỉ cần vững kiến thức căn bản là hoàn toàn có thể đạt điểm số tối đa.
Cấu trúc đề thi có sự thay đổi so với các năm trước và phù hợp với việc điều chỉnh như Sở Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng cũng được giảm nhẹ. Số lượng câu hỏi từng dạng bài được giảm đi như giảm số lượng câu dạng hoàn thành câu, sửa lỗi sai, đọc hiểu, đọc điển từ, chọn câu đồng nghĩa.
Nội dung đề thi kiểm tra phần lớn về kiến thức ngữ pháp như: thì động từ, giới từ, câu hỏi đuôi, danh động từ và động từ nguyên thể, câu ước, câu hỏi đuôi, loại từ, lượng từ, liên từ, câu điều kiện, câu trực tiếp, gián tiếp, modal verbs. Các chủ đề từ vựng và chủ đề bài đọc hiểu rất quen thuộc và không làm khó thí sinh.
"Nhìn chung, đề thi này phù hợp với nội dung điều chỉnh mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố và bối cảnh ôn tập có nhiều khó khăn của các bạn học sinh.
Đối với bài đọc hiểu đây là nội dung mà học sinh đã được tìm hiểu trong các nội dung bài đọc trong chương trình THCS, vì thế nếu học sinh chú ý học trên trường thì đề thi này không thể làm khó các em được, phổ điểm mà các em có thể nhận được là từ 6,5- 7,5 điểm. Điểm 9, 10 có thể sẽ nhiều hơn năm trước", thầy Hùng cho biết.
Cô Nguyễn Thị Mai Hương, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, cấu trúc đề thi môn Tiếng Anh Hà Nội năm nay được giữ nguyên, về độ dài giảm 10 câu so với đề năm ngoái. Cụ thể là ở bài viết và đọc (bài đọc còn 7 câu, bài viết còn 7 câu).
Về định hướng cho học sinh chuẩn bị bước sang lớp 9, cô Hương chia sẻ, nhìn chung kỳ thi vào 10 qua các năm ở Hà Nội có cấu trúc ổn định. Học sinh nên tập trung vào ôn theo dạng đề thi các năm trở lại đây là hợp lý.
Ngoài chủ đề ngữ pháp quan trọng trong chương trình THCS, đặc biệt là khối 9, học sinh cần chú trọng nâng cao vốn từ vựng, mở rộng vốn từ, nâng cao cấu trúc câu, từ, cụm từ. Đặc biệt, nên rèn luyện kĩ năng đọc hiểu bởi qua các bài đọc, ngoài các kĩ năng làm bài, học sinh còn học được rất nhiều từ và cụm từ theo chủ đề bài đọc, từ đó nâng cao và hỗ trợ phần từ ngữ. Phần này chiếm 70% tỉ lệ điểm của bài thi. Một đặc điểm của học sinh là thường quá chú trọng học ngữ pháp trong khi phần này chỉ chiếm 30% điểm toàn bài. Nên nếu học sinh không chịu khó nâng cao vốn từ, ngại học từ vựng sẽ đạt điểm không cao trong đề thi dạng này./.